Rộng mở nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cho lao động có tay nghề

THÀNH ĐỨC - MINH LONG | 16/02/2023 09:57

(BKTO) - Năm 2023, thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho lao động có tay nghề cũng hứa hẹn rộng mở những cơ hội khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.

lao-dong-han-quoc.jpg
Năm 2023, người lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh:dolab.gov.vn

Nhiều thị trường tiềm năng

Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc vừa thông báo, năm 2023, nước này có kế hoạch thuê khoảng 110.000 lao động nhập cư để làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Trước thực trạng thiếu lao động nghiêm trọng ở trong nước, Chính phủ Hàn Quốc thời gian gần đây đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách để thu hút lao động nước ngoài nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Đáng chú ý, mới đây, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc đã công bố cải tiến chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (Chương trình EPS) mà Việt Nam đang tham gia.

Theo đó, Hàn Quốc tích cực sửa đổi các quy định nhằm thúc đẩy hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; vận dụng đa dạng phương thức sử dụng nhân lực nước ngoài nhằm giải quyết nạn thiếu nhân lực tại các vùng sâu, vùng xa và tăng cường hỗ trợ cư trú nhằm đẩy nhanh thích ứng xã hội cho nhân lực nước ngoài.

Nắm bắt nhu cầu của Hàn Quốc, từ giữa năm 2022, các ban ngành hữu quan Việt Nam đã tích cực triển khai đào tạo, hỗ trợ để đẩy nhanh số lượng lao động được phép nhập cảnh xứ sở kim chi.

Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy gia tăng số lượng nhập cảnh của lao động EPS, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên quan của Hàn Quốc nới lỏng các điều kiện để lao động trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc.

Năm 2022, theo Chương trình EPS, Việt Nam có gần 9.000 lao động nhập cảnh trong tổng chỉ tiêu 70.000 cho 16 nước tham gia phái cử.

Ông Phạm Minh Đức - Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc - cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 10.000 lao động nhập cảnh Hàn Quốc. Theo đó, Văn phòng EPS sẽ tập trung phối hợp với Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức đón và giảng bài định hướng cho tất cả người lao động nhập cảnh Hàn Quốc. Việc làm này sẽ giúp người lao động nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và công việc tại Hàn Quốc.

Ngoài thị trường Hàn Quốc, theo đánh giá của giới chuyên gia, nhiều thị trường tiềm năng cũng sẽ là tâm điểm chú ý của người lao động có tay nghề trong năm 2023. Đó là Australia, New Zealand và Canada, 3 nước phát triển này đang chạy đua trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực đang tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trước đó, Chính phủ Australia đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam là 1 trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này. Sau 1 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kể từ năm 2023, người lao động Việt Nam có thể đến Australia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng.

Tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường

Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã làm việc với cơ quan chức năng các nước tiếp nhận đề nghị mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, tăng số lượng lao động nhập cảnh để những lao động đã được đào tạo, hoàn thành các thủ tục có thể xuất cảnh. Bộ cũng đề nghị nước tiếp nhận có chính sách tăng lương cũng như cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở của người lao động.

Cùng với đó, Bộ LĐTBXH cũng chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đẩy mạnh công tác kết nối với các cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm để tạo nguồn lao động có kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động thông qua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc xây dựng và tổ chức mạng lưới giao dịch việc làm ngoài nước; cung cấp đầy đủ thông tin, tổ chức tư vấn tại địa phương để người lao động có đủ thông tin khi đi làm việc ở nước ngoài cũng như hỗ trợ người lao động về nước tìm kiếm việc làm phù hợp nhu cầu và các nghề nghiệp, kỹ năng đã học được ở nước ngoài.

Để hoàn thành mục tiêu đưa 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, ngành LĐTBXH sẽ đẩy mạnh công tác phổ biến và triển khai pháp luật để Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn Luật đi vào cuộc sống.

Đồng thời tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến đưa được nhiều lao động kỹ thuật cao đi làm việc ở nước ngoài.

Thực tế thời gian qua cho thấy, “cửa ải” đầu tiên với lao động Việt Nam chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Giỏi tiếng bản địa giúp lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, tránh được nhiều nguy cơ cũng như va chạm với quản lý. Cơ hội việc làm sau khi về nước cũng luôn rộng mở với những người biết ngoại ngữ. Bên cạnh đó, ý thức tổ chức kỷ luật tốt sẽ tạo uy tín, hình ảnh người lao động Việt Nam ở các nước tiếp nhận lao động./.

Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch được giao (đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài). Một số thị trường chính có nhiều người lao động xuất cảnh, đó là: Nhật Bản là 67.295 người lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 58.598 người lao động, Hàn Quốc là 9.968 người lao động, Singapore là 1.882 người lao động…

Cùng chuyên mục
Rộng mở nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cho lao động có tay nghề