Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển phù hợp, đa dạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Quy hoạch được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch tổng thể quốc gia và các chiến lược, quy hoạch khác có liên quan.
Cơ sở GDNN sẽ được phát triển theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ GDNN theo nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Phát triển các cơ sở GDNN chất lượng cao; ngành, nghề trọng điểm; hình thành cơ sở GDNN có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa, thực hiện liên kết vùng hiệu quả; quan tâm phát triển cơ sở GDNN ở vùng khó khăn, đào tạo các nhóm ngành nghề và đối tượng đặc thù.
Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở GDNN công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thống nhất đầu mối quản lý một số trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Ưu tiên ngân sách nhà nước để phát triển GDNN đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển GDNN.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là: Phát triển mạng lưới cơ sở GDNN đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Về mục tiêu cụ thể, Quy hoạch đề ra mục tiêu, đến năm 2025, mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2025, giảm ít nhất 20% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020, trong đó: Giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện.
Đến năm 2030, mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Giảm ít nhất 30% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020, trong đó: Giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.
Về tầm nhìn đến năm 2045, phát triển mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở GDNN bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Hoàn thiện cơ chế, ưu tiên ngân sách cho các trường chất lượng cao
Để thực hiện các mục tiêu trên, Quy hoạch đề ra 10 giải pháp. Trong đó, về cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng là rà soát, hoàn thiện các chính sách đầu tư nâng cao chất lượng GDNN, phát triển mạng lưới cơ sở GDNN, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở GDNN và tham gia hoạt động GDNN.
Cùng với đó là việc rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ sở GDNN; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính phù hợp đối với các loại hình cơ sở GDNN để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực GDNN, kể cả hình thức hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết.
Về huy động và phân bổ vốn đầu tư, ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư các trường chất lượng cao, trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; đồng thời tập trung nguồn lực cho các cơ sở GDNN tại các vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở GDNN đào tạo cho các đối tượng đặc thù.
Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân thông qua hỗ trợ về thuế, ưu đãi vốn vay, hỗ trợ bố trí đất để đầu tư, xây dựng cơ sở GDNN.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đặc biệt trong việc hình thành các cơ sở GDNN tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm ASEAN-4 và G20./.