Sắc xuân nơi vùng cao Y Tý

(BKTO) - “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”, câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đã thúc giục chúng tôi tìm đến với Y Tý (tỉnh Lào Cai) - nơi được mệnh danh là “vùng đất mù sương” với những cảnh mây vờn núi, suối rì rào như chốn thiên thai. Vẻ đẹp đó càng trở nên tươi sáng, ấm áp hơn khi quyện hòa với không khí lao động hăng say của đồng bào các dân tộc nơi đây trên hành trình vươn lên thoát nghèo và bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp.



Sắc màu văn hóa của “vùng đất mù sương”

Đến Y Tý những ngày cuối năm, khi hơi rét đã luồn khắp các bản làng, chúng tôi mới cảm nhận được cái giá lạnh đến cắt da cắt thịt nơi “địa đầu” Tổ quốc. Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thời tiết không thể làm giảm sắc bức tranh sơn thủy vô cùng nên thơ nơi đây, với những thửa ruộng bậc thang đang mùa đổ nước, những dãy núi cao bồng bềnh sương khói; những suối nước réo rắt như bản giao hưởng giữa núi rừng...
Theo chân một cán bộ văn hóa xã, chúng tôi được thăm các bản làng và nghe kể về những nét độc đáo của mảnh đất vùng biên. Xã Y Tý nằm trọn trong thung lũng ở phía tây của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách TP. Lào Cai khoảng 100 km. Với độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, Y Tý như tựa lưng vào dãy Nhù Cồ San quanh năm phủ bóng mây, hiếm khi ánh mặt trời chiếu rọi trọn vẹn một ngày. Về trưa, trời có chút hửng nắng, biển mây Y Tý trở nên huyền ảo đến mê người.

Chợ phiên Y Tý thu hút đông người dân, du khách và kéo dài gần cây số - Ảnh: Nguyễn Dũng

Bên cạnh vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang, những “bản sương giăng”, dấu ấn văn hóa, những ngôi nhà trình tường... lại mang đến cho du khách sự gần gũi, ấm áp về cuộc sống của đồng bào. Nhà trình tường là một kiến trúc vô cùng độc đáo của các dân tộc vùng cao ở cực Bắc của Tổ quốc. Dù nhà của người Hà Nhì, Dao, Mông có chút khác nhau, nhưng đều có điểm chung là tường dày và có cửa sổ nhỏ để giữ ấm trong những ngày đông, thoáng mát về mùa hè.

Đối với người Hà Nhì - cộng đồng dân tộc chiếm đa số tại Y Tý - “Tết tháng Hai” (tiếng Hà Nhì gọi là Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”) diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch được coi là Tết truyền thống độc đáo của dân tộc này. “Gạ ma do” gần như giữ nguyên bản những nghi lễ, phong tục truyền thống lâu đời của người Hà Nhì với mong ước một năm mới mùa màng bội thu, gia đình hòa thuận. Với những giá trị văn hóa độc đáo, thung lũng ruộng bậc thang Thề Pả ở 2 xã Y Tý và Ngải Thầu và Lễ Cúng rừng “Gạ ma do” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể năm 2015.

Theo cán bộ văn hóa xã Y Tý, ngoài Tết truyền thống, ngày nay, người Hà Nhì cũng đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Trong 3 ngày Tết, người Hà Nhì thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và giao lưu văn nghệ trong cộng đồng. Trong tháng Tết, phiên chợ chỉ diễn ra vào sáng thứ Bảy luôn đông vui, nhộn nhịp và thu hút đông đồng bào dân tộc, du khách về dự. Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là dịp để các chàng trai, cô gái nơi đây diện những bộ trang phục truyền thống, trao duyên và hẹn hò đôi lứa. Những sắc màu thổ cẩm của các dân tộc được hòa quyện với nhau, tạo nên một bức tranh đầy sắc màu vùng sơn cước.

Y Tý đang khởi sắc từng ngày

Cùng với việc bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy lùi các hủ tục, lạc hậu; động viên đồng bào tích cực tham gia sản xuất. Đặc biệt, những năm gần đây, thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 135), xã Y Tý đã được đầu tư đường giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, kênh mương… phục vụ cho việc phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Y Tý Hấu A Sinh, đối với người dân Y Tý, văn hóa sống nhờ rừng vẫn còn in đậm. Dọc theo cung đường lên núi Nhù Cồ San khoảng 1 km có đường đi vào rừng già. Nơi đây, đồng bào dân tộc đã gây dựng những cánh rừng thảo quả bạt ngàn. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi, từ chỗ thiếu ăn đến có tiền để mua sắm, tổ chức Tết và không còn bị đói. Ngoài tên gọi là “vựa thảo quả” lớn nhất nhì của Lào Cai, Y Tý còn được biết đến là nơi trồng nhiều sâm đất (còn gọi là củ hoàng sin cô, có tác dụng bồi bổ và được dùng làm thuốc). Theo ông Sinh, hai năm gần đây, người Hà Nhì đẩy mạnh trồng sâm đất để sử dụng và bán ra thị trường. Năm nay, diện tích trồng sâm của xã là 16 ha, ước tính thu được 20 tấn củ với nguồn thu trên 100 triệu đồng.

Đặc biệt, từ nhiều năm qua, huyện Bát Xát đã khuyến khích người dân phát triển nuôi cá nước lạnh gắn với bảo vệ hệ sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên, bước đầu đem lại hiệu quả tốt. Nắm bắt lợi thế này, Y Tý đã phát huy tốt hiệu quả của mô hình nuôi cá tầm, cá hồi tại thôn Phìn Hồ. Bên cạnh đó, xã còn triển khai một số mô hình trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao; trong đó, trang trại rau quả sản xuất theo quy trình VietGap của Hợp tác xã Hoa Lợi là mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình của huyện.

Nhìn nhận điều kiện của Y Tý vẫn còn nhiều khó khăn, song Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Hoàng Đăng Khoa cũng không giấu niềm hy vọng: Y Tý đang chuyển mình và sẽ sớm chứng tỏ là điểm du lịch, điểm sáng kinh tế của vùng Tây Bắc. Bởi, Y Tý đã được đưa vào quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện với quy mô từ 1.500 - 2.000 ha, cùng nhiều dự án văn hóa, thể thao khác trong tương lai được kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch, phấn đấu đưa nơi đây trở thành Sa Pa thứ 2 của Lào Cai... Đây chính là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của xã vùng biên.

Tiếng ngựa thồ, bước chân gùi hàng vội vã của những thiếu nữ dân tộc Hà Nhì như phả thêm vào nhịp gấp của thời gian những ngày cuối năm. Bồng bềnh trong sương sớm là sắc hoa đào, hoa mơ điểm xuyết, góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng của núi rừng Tây Bắc ở Y Tý. Sắc xuân đến sớm với vùng cao đó lại càng thêm lung linh, ý nghĩa, khi cuộc sống của đồng bào nơi “địa đầu” Tổ quốc đang khởi sắc từng ngày.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019
Cùng chuyên mục
  • Về Tổng Phục xưa nghe hát Đúm
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ rất lâu, mỗi độ xuân về đất Tổng Phục xưa, gồm các xã: Phả Lễ, Phục Lễ, Lập Lễ… của huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng lại rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội truyền thống Hát Đúm ngày xuân. Năm nay, không khí cho Lễ hội truyền thống này lại càng rộn ràng hơn, khi tháng 9/2018 vừa qua, hát Đúm Thủy Nguyên đã chính thức có tên trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
  • Nỗ lực tạo dựng nền tảng an sinh bền vững
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với vị trí trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) chính là góp phần bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Chia sẻ với báo chí trước thềm năm mới 2019, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định: Tất cả những nhiệm vụ mà ngành BHXH đang thực hiện đều hướng tới một mục tiêu đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT.
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trần Thanh Mẫn: Chăm lo đời sống cho nhân dân, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Đóng vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cơ quan Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp góp phần quan trọng trong việc củng cố, tạo dựng lòng tin trong nhân dân, cùng nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trần Thanh Mẫn đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về những dấu ấn nổi bật của cơ quan mặt trận gắn với vai trò giám sát, phản biện xã hội cũng như công tác chăm lo cho đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
  • Du lịch “chạm ngưỡng” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Đặc biệt, ngành sẽ quyết tâm về đích trước một năm so với mục tiêu tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  • Phải quyết liệt kéo giảm tai nạn  giao thông
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo nhận định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), năm 2018, tai nạn giao thông (TNGT) mặc dù giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người bị thương và số người chết) nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp. Đặc biệt, nhiều vụ TNGT thảm khốc vẫn còn xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Sắc xuân nơi vùng cao Y Tý