Sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn

(BKTO) - Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 05/01/2023. Từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, với 5 nội dung quan trọng sẽ được đặt lên bàn nghị sự tại Kỳ họp bất thường lần này, một lần nữa cho thấy tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong hành động của Quốc hội, đúng như quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễ

3(2).jpg
Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh ST).

Xem xét những vấn đề cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Căn cứ quy định này, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, sau khi xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV từ ngày 05/01/2023 đến ngày 09/01/2023; Quốc hội họp tập trung cả kỳ.

Về nội dung của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy trình, quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao. Bất thường chỉ là tiến độ chứ không hy sinh chất lượng, coi nhẹ nội dung. Vấn đề cấp bách mà chưa chuẩn bị kịp thì đưa vào phiên thường kỳ, đó là nguyên tắc”.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và quá trình xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 nội dung quan trọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, thông qua Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết số 30) về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Đồng thời, xem xét quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách và xem xét công tác nhân sự.

Báo cáo tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, cơ bản các Bộ, ngành đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, kỹ lưỡng hồ sơ các nội dung tại Kỳ họp. Qua các bước xem xét, thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội đã đánh giá hồ sơ trình đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Gỡ nút thắt cho công tác quy hoạch

Trong 5 nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần này, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Đây là nội dung cần kíp nhất, quan trọng nhất quyết định vì sao có kỳ họp bất thường này” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cần nói thêm rằng, đây là lần đầu tiên nước ta tiến hành lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch, nhằm tổ chức không gian phát triển quốc gia một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030...

Nhấn mạnh đây là việc chưa có tiền lệ nên rất mới và rất khó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là Quy hoạch chi phối các quy hoạch khác. Tất cả quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch của 63 tỉnh, thành phố đều phải dựa trên Quy hoạch cấp cao nhất này, do đó không để muộn được. Vì vậy, đây là nội dung cấp bách hàng đầu trong chương trình nghị sự của Kỳ họp bất thường sắp tới.

Một nội dung cấp bách khác là tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3, Nghị quyết số 30; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Theo báo cáo của Chính phủ, các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đầy đủ, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, khoản 3, Nghị quyết số 30 cho phép Chính phủ được thực hiện một số biện pháp cấp bách, đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 - chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022. Trong khi đó, một số chính sách đã triển khai thực hiện nhưng còn cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với một số chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Chính phủ cũng đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ hết thời hạn hiệu lực trước ngày 01/01/2023 mà không kịp làm thủ tục gia hạn theo quy định của Luật Dược. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung được Luật Dược, thì đây là vấn đề cấp bách liên quan đến chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho nhân dân”.

Với phương châm những nội dung cấp bách, triển khai sớm được ngày nào thì có lợi ngày ấy, vì mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không bị ách tắc đã cho thấy sự thay đổi trong tư duy hoạt động của Quốc hội, đồng hành cùng Chính phủ sẵn sàng đáp ứng các đòi hỏi từ thực tiễn./.

Cùng chuyên mục
  • Thi đua phải đạt thành tích tốt nhất
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Hồ Chủ tịch rất chú trọng đến vấn đề thi đua. Theo Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
  • 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Văn phòng Quốc hội vừa phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thông tấn, báo chí cho ý kiến và tổ chức bình chọn 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022. Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã công bố 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.
  • Phát động Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 27/12, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất (Giải Diên Hồng).
  • Cần tổng kết thi hành pháp luật có liên quan một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12, ngày 26/12.
  • Trong năm 2023, dứt khoát phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - đã nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ngày 25/12.
Sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn