Khu Công nghiệp Khai Quang - tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Ngân
Chủ động thu hútđầu tư nước ngoài
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, ước tính trong 6 tháng năm 2020, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên cả nước thu hút khoảng 335 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6 tỷ USD. Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài đến tháng 6/2020 lên khoảng 9.835 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 197,8 tỷ USD. Đối với các dự án đầu tư trong nước, trong 6 tháng, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 282 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm khoảng 62.700 tỷ đồng. Lũy kế, tổng số dự án đầu tư trong nước là 9.650 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2,31 triệu tỷ đồng.
Để đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia sau tác động của đại dịch Covid-19, Bộ KH&ĐT vừa đề xuất UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư rà soát tình hình thực hiện quy hoạch các KCN trên địa bàn, từ đó có thể kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch các KCN nằm trong quy hoạch nhiều năm (trên 10 năm) nhưng chưa được triển khai để tránh tình trạng quy hoạch treo, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và cuộc sống người dân. Đồng thời, chỉ xem xét đề xuất bổ sung vào Quy hoạch phát triển KCN ở Việt Nam đến năm 2020 các KCN có tính cấp bách, có khả năng triển khai nhanh và thu hút đầu tư tốt để đảm bảo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2020 đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.
Cùng với đó, các địa phương tiến hành đánh giá các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Đối với dự án đang trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cần rà soát, đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, hoàn thiện hồ sơ dự án. Trong đó, đối với các dự án chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban Quản lý các KCN, KKT hướng dẫn nhà đầu tư làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn tất thủ tục, làm cơ sở cho việc quyết định chủ trương dự án đầu tư theo quy định. Còn với các hồ sơ dự án đầu tư đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban Quản lý các KCN, KKT rà soát, có văn bản gửi các Bộ, ngành có ý kiến về hồ sơ dự án. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung lưu ý các địa phương: “Song song với đó là phải đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ dự án để trình UBND cấp tỉnh, trong đó cần lưu ý báo cáo thẩm định phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định”.
Hạ tầng cũng phải sẵn sàngđáp ứng
Liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đã được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các địa phương cũng cần rà soát và báo cáo tiến độ triển khai các dự án, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để sớm đưa KCN vào hoạt động, phục vụ cho việc thu hút đầu tư trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư vào KCN, KKT một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới để đón đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển trong thời gian tới. Các địa phương thực hiện triệt để việc phân cấp ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN, KKT theo quy định của Chính phủ, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nhà đầu tư, kiên quyết xử lý các trường hợp làm chậm, gây khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư vào KCN, KKT.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, rà soát xây dựng, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, rà soát, báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong KCN, KKT có quy mô vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng.
Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2020, cả nước có 336 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97.800 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 66.000 ha. Có 261 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 68.700 ha và 75 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích khoảng 29.100 ha. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 76%. Đồng thời, cả nước có 17 KKT ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước đạt khoảng hơn 845.000 ha, diện tích đất đã cho thuê trong các khu chức năng trong KKT đạt trên 40.000 ha. Trong các KKT có 38 KCN với tổng diện tích khoảng 16.600 ha, diện tích đất công nghiệp đạt gần 10.000 ha. Đến nay, có 20 KCN đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 8.500 ha và 18 KCN đang xây dựng với tổng diện tích đạt khoảng 8.100 ha.
Hiện có 234/261 KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ gần 90%. Nếu tính cả các KCN nằm trong KKT ven biển thì có 248 KCN đã xây dựng và đưa vào vận hành công trình xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 88,57% với tổng công suất tối đa đạt trên 1 triệu m3 nước thải/ngày đêm.
QUỲNH ANH