Việc sắp xếp, cơ cấu lại các trường hoạt động yếu kém là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Ảnh: P.Tuân
Sàng lọc “sức khỏe”của các trường
Theo đánh giá của KTNN, từ năm 2005, thực hiện chủ trương tự chủ, cơ chế hoạt động, tài chính của các trường ĐH công lập đã từng bước được đổi mới và đạt được những thành tựu nhất định. Số đơn vị tự chủ, mức độ tự chủ ngày càng tăng, giúp giảm kinh phí NSNN cấp cho các đơn vị. Các đơn vị đã chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy; khuyến khích các đơn vị sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng đầu tư, tăng thu nhập cho cán bộ, trích lập các quỹ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả thực hiện tự chủ tài chính của các trường nhìn chung còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá; chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính; chưa đạt được mục tiêu phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội. Đặc biệt, do chưa có cơ chế để khuyến khích các trường tăng mức độ tự chủ, giảm dần nguồn NSNN cấp nên nhiều trường còn tư tưởng trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình xã hội hóa đối với những dịch vụ công.
Thực tế, kết quả kiểm toán của KTNN chuyên ngành II những năm qua cho thấy, tại một số trường, việc tăng học phí theo lộ trình, đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp vào học phí nhằm giảm sự hỗ trợ của Nhà nước còn chậm; mức thu học phí nhiều trường năm sau không tăng hoặc tăng tỷ lệ thấp. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều trường khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nhiều trường có kết quả tuyển sinh thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh được duyệt hoặc kết quả tuyển sinh năm sau thấp hơn năm trước: Năm 2017, 3/4 trường ĐH thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kết quả tuyển sinh đạt dưới 80% chỉ tiêu; Học Viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đạt 57,61%. Tại các trường thuộc Bộ Công Thương, năm 2016, tỷ lệ tuyển sinh của các trường chỉ đạt 69% chỉ tiêu giao, trong đó, có trường đạt tỷ lệ rất thấp như: Trường ĐH Sao Đỏ, Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì...
Trước áp lực đảm bảo nguồn thu khi thực hiện tự chủ, nhiều trường hạ điểm chuẩn để thu hút sinh viên, khiến chất lượng sinh viên đầu vào đi xuống. Bên cạnh đó, nguồn thu học phí giảm cũng dẫn đến nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảng viên không được đảm bảo. Đây là nguyên nhân khiến chất lượng đầu ra giảm, từ đó tác động ngược lại làm cho công tác tuyển sinh thêm khó khăn.
Cần quyết liệt đổi mới, sắp xếp trường hoạt động yếu kém để tránh lãng phí
Đáng chú ý, nhìn vào bức tranh tự chủ thời gian qua cho thấy, tình trạng lãng phí, kém hiệu quả không chỉ xảy ra ở nhóm trường có sức cạnh tranh kém, mà xuất hiện ở cả các trường có thương hiệu, thu hút đông người học. Kết quả kiểm toán cho thấy, một số trường dự kiến khả năng tuyển sinh không chính xác dẫn đến đầu tư xây dựng trụ sở vượt quá khả năng tuyển sinh, gây lãng phí NSNN. Điển hình như Trường ĐH Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đầu tư Cơ sở mở rộng tại khu ĐH Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2017 nhưng kết quả tuyển sinh chưa đáp ứng chỉ tiêu đề ra, dẫn đến hiệu suất sử dụng năm học 2017-2018 chỉ đạt 10% so với mục tiêu. Đến nay, hiệu suất sử dụng cơ sở vẫn chưa được cải thiện. Trả lời báo chí về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi Nguyễn Viết Ổn thừa nhận là do chủ quan, chưa đánh giá được hết tác động ảnh hưởng đến tâm lý của sinh viên dẫn đến không thu hút được người học như mong đợi.
Điều đáng nói, Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh (Bộ Công Thương), dù có tỷ lệ tuyển sinh rất thấp, nhiều mã ngành không tuyển sinh được song vẫn xây dựng cơ sở 2 với tổng mức đầu tư xây dựng giai đoạn I là 137.517 triệu đồng, dự kiến đào tạo 3.020 sinh viên/năm nhưng năm 2015-2016 tuyển sinh tổng số các hệ chỉ đạt 15,98%, năm học 2016-2017 đạt 14,2% chỉ tiêu được giao. Tương tự, Trường ĐH Sao Đỏ xây dựng cơ sở 2 với mục tiêu đào tạo 3.600 sinh viên/năm, tổng mức đầu tư 113.000 triệu đồng, giai đoạn I đầu tư 4.515m2 tương ứng với 1.800 sinh viên/năm, tuy nhiên, năm 2015-2016 kết quả tuyển sinh các hệ chỉ đạt 20,51%, năm học 2016-2017 đạt 50,93% chỉ tiêu được giao. Năm học 2020-2021 (năm học đầu tiên chỉ tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH), Trường tuyển được 1.090 sinh viên, đạt trên 90% chỉ tiêu.
Để nâng cao hiệu quả của chủ trương tự chủ, giúp các trường phát huy nguồn lực để phát triển, ngoài đề xuất thay đổi chính sách, KTNN cho rằng, công tác quản lý của cơ quan chủ quản đối với các trường và bản thân các trường cần có sự thay đổi. Theo đó, những ngành học thị trường đang có nhu cầu cao thì để trường cạnh tranh về chất lượng nhằm thu hút sinh viên, tạo áp lực phải đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các ngành, nghề đào tạo kém thu hút người học nhưng xã hội cần; đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội có cơ hội học tập. Đặc biệt, các cơ quan chủ quản cần rà soát sắp xếp, cơ cấu lại các trường trực thuộc, sáp nhập hoặc giải thể các trường hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ tuyển sinh hằng năm quá thấp; tinh gọn bộ máy, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước.
NGUYỄN LỘC