Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Cần quyết tâm lớn

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, đối với trường hợp đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp nhưng địa phương đề nghị chưa hoặc không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 thì trong đề án cần có giải trình thuyết phục, nêu rõ căn cứ.

sxep.jpg
Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh: Đ. KHOA

Chưa thực sự quyết liệt

Chia sẻ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 12/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đã có 56/56 địa phương gửi phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để cho ý kiến, số còn lại sau khi rà soát không nằm trong diện phải sắp xếp cấp huyện, xã. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, "tâm lý và thực tế các địa phương khi triển khai không thực sự quyết liệt".

Khi tổng hợp các phương án của các địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận thấy, đối với 56/56 địa phương, hiện chỉ 50% địa phương đảm bảo được việc sắp xếp. Còn lại đều căn cứ theo 4 tiêu chí đặc thù để đưa vào cơ chế đặc thù để không sắp xếp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2019-2021 cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 651 ĐVHC cấp xã. Ở những nơi được sắp xếp, bộ máy tinh gọn hơn, biên chế cũng được tinh giản, đời sống người dân ổn định. Ngân sách nhà nước giảm chi trên 2.000 tỷ đồng từ việc sắp xếp này.

Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tại Kết luận về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 vừa được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong quá trình xây dựng đề án thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 cần nghiêm túc rà soát, xác định các trường hợp thuộc diện sắp xếp, khuyến khích sắp xếp hoặc không thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 trên cơ sở bám sát quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp bảo đảm tính toàn diện, có sự tiếp nối của giai đoạn 2023-2025 với giai đoạn 2026-2030.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ưu tiên thiết kế phương án nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của một ĐVHC với một hoặc nhiều đơn ĐVHC khác, hạn chế tối đa việc điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các ĐVHC.

Đối với trường hợp ĐVHC thuộc diện sắp xếp nhưng địa phương đề nghị chưa hoặc không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 thì trong đề án sắp xếp cần có giải trình thuyết phục, nêu rõ căn cứ, bám sát quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Đối với ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp, cần xem xét, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp, đặc biệt là tiêu chuẩn về loại đô thị, không được nợ tiêu chí.

“Đối với ĐVHC dự kiến hình thành sau sắp xếp, phải bảo đảm yêu cầu về tiêu chuần diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trường hợp chưa đảm bảo thì nêu rõ lý của việc không thể nhập, điều chỉnh thêm với ĐVHC cùng cấp khác - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ yêu cầu.

Sớm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Song, đây cũng là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp.

Thực tế, sắp xếp ĐVHC tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chính vì vậy, đây là việc khó, đòi hỏi quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần tập trung tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, trong các tầng lớp nhân dân để quyết tâm tiến hành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Mục tiêu cuối cùng của công tác sắp xếp ĐVHC là giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý nhà nước. Sắp xếp các ĐVHC cũng tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc quyết liệt triển khai sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn tới, Chính phủ cần rà soát, đánh giá tổng thể và có giải pháp xử lý những khó khăn, bất cập trong triển khai công tác này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC đã triển khai trong giai đoạn 2019-2021 để kịp thời chấn chỉnh bất cập; sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản chỉ đạo có chủ trương phù hợp, thống nhất chính sách đãi ngộ cán bộ, nhất là cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, ở ấp, khóm, khu, tổ dân phố cả về lương, về phụ cấp, về chế độ đào tạo, bồi dưỡng.

“Việc này không chỉ động viên, khuyến khích đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách yên tâm cống hiến công sức, trí tuệ vào việc hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước mà còn giúp cho việc tổ chức thực hiện mục tiêu sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp huyện trong giai đoạn tiếp theo thuận lợi và hiệu quả hơn” - đại biểu Trang nói.

211220231100-anh-8.jpeg
Ảnh: quochoi.vn

Cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo để có những giải pháp cụ thể, sát hợp hơn nữa với tình hình thực tế, nhằm nhanh chóng tháo gỡ tình trạng trụ sở các ĐVHC sau khi sắp xếp xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí, ảnh hưởng đến chủ trương sắp xếp ĐVHC, ảnh hưởng đến niềm tin và gây bức xúc trong dư luận” 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương 

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) và nhiều ý kiến khác đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý nhà và đất công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC. Đại biểu Hương dẫn chứng, đến cuối tháng 8/2023 vẫn còn đến 71.826 cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt phương án. Sau khi sắp xếp nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng là rất lớn, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều trụ sở ở các ĐVHC sau khi sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, chi phí cải tạo, sửa chữa cao. Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá còn chậm. Thực tế cho thấy, câu chuyện dư thừa và lãng phí trụ sở hành chính tài sản công vẫn đang là bài toán nan giải, rất cần tập trung tìm biện pháp xử lý.

Cùng chuyên mục
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Cần quyết tâm lớn