Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo trước Quốc hội- Ảnh: quochoi.vn
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Luật Khoáng sản đã được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 17/11/2010 quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Điều 77. Luật Tài nguyên nước cũng đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 21/6/2012 quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại Điều 65.
Tại thời điểm trình Dự án Luật Khoáng sản (năm 2010) và Luật Tài nguyên nước (năm 2012), hồ sơ trình được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, không quy định trong hồ sơ trình dự án Luật phải có văn bản quy định chi tiết.
Trong quá trình xây dựng các Luật, việc đánh giá tác động của các chính sách nêu trên đã được thực hiện nhưng còn chưa toàn diện, cụ thể (riêng đối với thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu được hình thành trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Khoáng sản). Do đó, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp.
Do đó, Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và đưa vào Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với nội dung: Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 77 và quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật Khoáng sản được thực hiện kể từ ngày 01/01/2014; việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại khoản 1 Điều 65 và theo quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật Tài nguyên nước được thực hiện kể từ ngày 01/9/2017.
Thẩm tra nội dung này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hộinêu rõ: Việc đến ngày 28/11/2013 Chính phủ mới ban hành Nghị định 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là chậm hơn 2 năm 6 tháng và đến ngày 17/7/2017 mới ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là chậm 4 năm 8 tháng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Có những tổ chức đã giải thể, phá sản; các dự án, công trình đã được cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trước đây đến nay có thể không còn hoạt động hoặc đã chuyển cho tổ chức, cá nhân khác. Mặt khác, để thu được số tiền của hai lĩnh vực nêu trên, Nhà nước có thể sẽ phải bỏ số tiền không nhỏ cho nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, công tác thẩm định, công tác thu, xử lý khiếu nại...
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác không tán thành với việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, đồng thời cho rằng, việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật dẫn đến những khó khăn vướng mắc như nêu tại Tờ trình là trách nhiệm của Chính phủ. Các lý do nêu ra tại Tờ trình dẫn đến chậm ban hành Nghị định cũng không hợp lý; để bảo đảm kỷ cương pháp luật, cần thực hiện triệt để, nghiêm minh các quy định của Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc chậm ban hành 2 Nghị định nêu trên đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho NSNN gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn.
Do đó, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định tại Điều 7 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-6/2020).
MINH ANH