Huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025”, hơn 2 năm thực hiện Chương trình, Thành ủy Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 3.208 cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với 81.448 lượt người tham gia. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng với 1.154 trường hợp.
Trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, các cấp ủy Đảng từ Thành phố đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra đối với 3.542 tổ chức Đảng, 992 đảng viên; giám sát đối với 2.212 tổ chức Đảng, 1.098 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 317 lượt tổ chức Đảng và 758 đảng viên, kết luận 122 tổ chức Đảng (chiếm 38%) và 332 đảng viên (chiếm 44%) có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 17 tổ chức Đảng và 236 đảng viên.
Thành phố Hà Nội đã triển khai 691 cuộc thanh tra, kết luận 420 cuộc. Qua đó, phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 50,593 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 1.080m2 đất; kiểm điểm trách nhiệm đối với 104 tập thể và 172 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ án, 133 vụ việc có dấu hiệu phạm tội...
Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tập trung chỉ đạo xử lý 57 vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã kết thúc theo dõi chỉ đạo 12 vụ án, vụ việc; tiếp tục chỉ đạo 45 vụ việc, vụ án.
Bên cạnh đó, Thành phố đã tiết kiệm, tiết giảm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hơn 14.085 tỷ đồng; trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tiết kiệm hơn 2.253 tỷ đồng; công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp tiết kiệm hơn 1.159 tỷ đồng…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, ngăn chặn, giải quyết từ sớm, từ xa
Để triển khai hiệu quả, thực chất Chương trình số 10-CTr/TU, Ban Chỉ đạo Chương trình đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiền phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền thành phố về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Thành ủy Hà Nội luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, sau 2 năm thực hiện Chương trình, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đến công tác xây dựng, ban hành các văn bản và tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hệ thống chính trị của Thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; sửa đổi quy chế, quy trình xử lý công việc; tự phát hiện ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ một số cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bí thư Thành ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu các cấp của Thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trên. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của Thành phố, đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; gắn với thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hỡ, dễ bị lợi dụng.
Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa là tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Đồng thời, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; đồng thời, kiên quyết chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, né tránh, đùn đẩy công việc./.