Số hóa và giáo dục bảo tàng - hướng đi mới đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng

(BKTO) - Trong bối cảnh hoạt động của các bảo tàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, một số bảo tàng đã nỗ lực tìm hướng đi mới để khắc phục khó khăn nhất thời; đồng thời mở ra triển vọng phát triển bền vững nhờ vào thực hiện chuyển đổi số; kết hợp với các trường tổ chức giáo dục cho học sinh.



Xây dựng bảo tàng online

Là thiết chế văn hóa vốn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện bình thường, nay lại thêm ảnh hưởng của dịch bệnh, các bảo tàng phải đóng cửa, không được đón khách tham quan khiến cho mọi hoạt động của bảo tàng càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh đó, “số hóa” hiện vật và các nội dung trưng bày là giải pháp được nhiều bảo tàng lựa chọn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia Nguyễn Văn Kim cho rằng, số hóa không chỉ giúp công tác quản lý hiện vật, tư liệu của bảo tàng hiệu quả hơn mà còn đáp ứng xu thế phát triển khoa học công nghệ hiện nay, từ đó giúp người tham quan có thể dễ dàng tiếp cận, thậm chí không giới hạn về thời gian, không gian hay ngôn ngữ.

TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày, cho rằng trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, thêm những làn sóng đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những thách thức, các bảo tàng không còn cách nào khác là phải nỗ lực đổi mới để hoạt động hiệu quả và thu hút công chúng hơn nữa… Chia sẻ những công việc đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia triển khai để vượt khó, hút khách, TS. Đoàn cho hay, từ năm 2020, Bảo tàng được Chính phủ chọn làm “điểm” trong công tác số hóa bảo tàng. Ngoài các bảo vật quốc gia, Bảo tàng đang từng bước làm tư liệu số đối với hệ thống hiện vật, tiến tới mục đích xây dựng Bảo tàng số.
                
   

Số hóa bảo tàng là xu thế tất yếu. Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học

   

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện bảo tàng online cũng gặp nhiều khó khăn. “Việc số hóa không chỉ thực hiện đơn thuần với những tư liệu thô mà là tích hợp toàn bộ những tư liệu, kết quả nghiên cứu về mỗi hiện vật từ trước đến nay. Chẳng hạn như với hiện vật Trống đồng Ngọc Lũ, tư liệu số hóa bao gồm tất cả mọi kết quả nghiên cứu liên quan, đòi hỏi sự kỳ công và thời gian không ngắn” - TS. Đoàn cho biết.

Trong xu thế chuyển đổi số, mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng cho ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Theo TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đây là ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR. IMuseum VFA sở hữu những tính năng hữu ích và vượt trội khiến cho rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý sẽ được xóa bỏ với sự hỗ trợ của 8 ngôn ngữ.

“Tham quan trực tiếp tại bảo tàng vẫn là hình thức ưu việt nhất, giúp du khách có thể cảm nhận đầy đủ nhất về hiện vật. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế có nhiều biến đổi và rủi ro, như đại dịch Covid-19, việc chuyển đổi số với bảo tàng sẽ là giải pháp thay thế hữu ích, đồng thời về lâu dài tạo cơ hội cho những người không có điều kiện đến bảo tàng có thể tìm hiểu và khám phá các hiện vật tiêu biểu” - TS. Minh nhấn mạnh.

Giáo dục qua bảo tàng

Từ việc chuyển đổi cách thức hoạt động của bảo tàng dựa trên nền tảng số để thích ứng với những biến đổi, rủi ro khôn lường, các bảo tàng cũng đồng thời định hướng đối tượng phục vụ, trong đó, chú trọng giáo dục qua bảo tàng đang là hướng đi được một số bảo tàng thực hiện và mang lại tín hiệu tích cực.

Giờ học lịch sử và Câu lạc bộ Em yêu lịch sử là hoạt động giáo dục hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trong điều kiện giãn cách xã hội, học sinh không thể tham gia trực tiếp, Bảo tàng đã kịp thời chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học online thông qua ứng dụng Zoom. Giờ học lịch sử online miễn phí được thực hiện từ tháng 7/2020, tính đến 30/8/2021, Bảo tàng đã tổ chức được 275 buổi học với 5.360 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2,3, 4,5,6 ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An… (trong đó, có một số em là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài).
                
   

Học sinh trải nghiệm hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: N.LỘC

   

Học sinh tham gia Giờ học lịch sử online và khách tham quan Tourday online có thể đăng ký trên trang Fanpage: facebook.com/BTLSQG.VNMH. Các đơn đăng ký thành công sẽ có thư xác nhận của cán bộ hướng dẫn.

Thông qua việc từng bước tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn đưa Bảo tàng đến với công chúng rộng rãi hơn đồng thời đa dạng hóa hoạt động, phát huy được những giá trị di sản hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng.

Đưa hoạt động giáo dục bảo tàng vào nhà trường là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, số bảo tàng thực hiện hoạt động này một cách thường xuyên, tích cực và bài bản vẫn chưa nhiều. Theo Luật Di sản Văn hóa Việt Nam, một trong những chức năng quan trọng của bảo tàng, ngoài là nơi trưng bày để tham quan, nghiên cứu, đó còn là giáo dục. Do đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho rằng, trong định hướng phát triển bảo tàng của ngành văn hóa cần tăng cường hơn chức năng này của bảo tàng.

Là người có nhiều năm nghiên cứu độc lập về hoạt động bảo tàng, chuyên gia Phạm Thị Mai Thủy cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động giáo dục bảo tàng đã có những thay đổi đáng kể. Trong đó, nhiều bảo tàng đã có sự nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu nhu cầu của công chúng; thiết kế, xây dựng các chương trình dành cho công chúng ở các lứa tuổi, đối tượng khác nhau. Hoạt động giáo dục bảo tàng có sự phối hợp giữa bảo tàng với nhà trường, cộng đồng, gia đình, DN. Đáng chú ý là công nghệ được ứng dụng trong các hoạt động giáo dục của bảo tàng.

Nhận định đây là xu thế tất yếu, bà Thủy cũng cho rằng, các bảo tàng có dự định phát triển hoạt động này, trước hết cần phải có sự thay đổi về nhận thức, từ chỗ lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm. “Các bảo tàng cần căn cứ vào thế mạnh, đặc điểm riêng biệt và chức năng của mỗi bảo tàng cụ thể để đa dạng hóa các hình thức hoạt động phục vụ nhu cầu chính đáng của công chúng” - bà Thủy cho biết.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Số hóa và giáo dục bảo tàng - hướng đi mới đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng