
Hoàn thành đạt hơn 70% chỉ tiêu kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, cùng với cả nước, tỉnh Sóc Trăng đã và đang thực hiện chủ trương này với trách nhiệm cao nhất, quyết liệt nhất và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, để có được số liệu đầy đủ, chính xác, các cơ quan chức năng của địa phương đã phối hợp thống kê số lượng, đối tượng của từng chương trình được hỗ trợ, cập nhật đầy đủ, kịp thời, không chồng chéo, trùng lắp.
Qua tổng hợp số liệu, toàn tỉnh có 8.649 hộ cần được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, với tổng kinh phí thực hiện là 454,200 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ nhà ở cho người có công là 906 căn, với kinh phí là 40,140 tỷ đồng (vốn ngân sách triển khai thực hiện); hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 6.887 (1.608 hộ nghèo, 5.279 hộ cận nghèo), với kinh phí là 373,440 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng nay nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng, không đảm bảo an toàn là 401 căn, với kinh phí 13,320 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 455 căn, với kinh phí là 27,300 tỷ đồng.
Về nguồn lực thực hiện, theo Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Sóc Trăng, đến nay toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 357 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương phân bổ là 62,7 tỷ đồng và nguồn “Quỹ vì người nghèo” tỉnh đã tiếp nhận trên 295 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ hơn 324 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện.
Về kết quả thực hiện, tính đến ngày 20/3, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng được 6.106/8.649 căn, đạt 70,4% so với chỉ tiêu kế hoạch, trong đó đã hoàn thành được 4.117 căn (xây mới là 3.283 căn, sửa chữa là 834 căn), đạt hơn 47% kế hoạch; kinh phí thực hiện là 222 tỷ đồng.
Trên địa bàn toàn tỉnh còn lại 2.567 căn đang được các địa phương khẩn trương thực hiện và phấn đấu hoàn thành chương trình trước ngày 30/6, sớm hơn kế hoạch ban đầu 3 tháng. Trong đó, tỉnh quyết tâm hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số trước dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025 (giữa tháng 4) và cho người có công trước ngày 30/4.
Có thể thấy, với những kết quả tích cực đã đạt được trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mang lại những thay đổi lớn trong đời sống của hàng trăm hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Mỗi ngôi nhà mới không chỉ giúp người dân có nơi ăn, chốn ở ổn định mà còn là động lực để họ vươn lên trong lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo bền vững.

Nỗ lực cao nhất để đảm bảo hoàn thành mục tiêu
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh bảo đảm lộ trình trong thời gian tới, bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng - cho biết, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp với tinh thần khẩn trương, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và bài bản.
Tỉnh cũng sẽ đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm (từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh). Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại từ nguồn hỗ trợ của Trung ương.
Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ và giữ vững tính công khai, minh bạch, tránh các tiêu cực phát sinh. Tăng cường công tác giám sát, quản lý địa bàn; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
“Nguồn lực cần huy động trong thời gian tới là tương đối lớn, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của Chương trình, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận của xã hội để mọi người chia sẻ cùng chung tay hỗ trợ “không để ai bị bỏ lại phía sau” - bà Đào nhấn mạnh./.