Trình Quốc hội 41 chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng

(BKTO) - Sáng 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

doan-hoa-binh.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tại Phiên họp. Ảnh: M. HIỂN

Thành phố được cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ xây dựng cảng biển

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: quản lý đầu tư (2 chính sách); quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường (9 chính sách); quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý (1 chính sách); thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng (17 chính sách).

Trong đó, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN), khoản 1, Điều 5 của Dự thảo Nghị quyết quy định, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định, thí điểm cho phép thành phố Hải Phòng thực hiện trình tự thủ tục rút gọn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết; quy định, UBND Thành phố được bán nhà ở chung cư thuộc tài sản công do Thành phố xây dựng từ NSNN hoặc theo hình thức hợp đồng BT hình thành từ sau năm 1994 đến trước ngày 01/01/2025.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết quy định, Thành phố được cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án trung tâm logistics phục vụ cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa với quy mô trên 50 ha; dịch vụ logistics phục vụ cho cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa trên địa bàn Thành phố với quy mô đến 50 ha.

UBND Thành phố được chuyển mục đích đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở xuống dưới 500 ha, đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

202505130832548886_8e7e045b8414314a6805.jpg
Bộ  trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: VPQH

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định tại TP. Hải Phòng một số hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được áp dụng các ưu đãi về thuế như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố; thời hạn miễn thuế là 5 năm; miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 05 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công đối với chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định thành lập Khu thương mại tự do (TMTD) tại thành phố Hải Phòng, một số chính sách đặc thù ưu đãi như đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế; hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong Khu TMTD và cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mở phòng giao dịch trong Khu TMTD ngoài trụ sở chi nhánh…

Cần phát huy được lợi thế, đặc điểm riêng biệt của Thành phố

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.

Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra lưu ý, Dự thảo Nghị quyết đã có điều khoản mở áp dụng cho trường hợp sáp nhập. Tuy nhiên, đánh giá tác động, mục tiêu đặt ra hiện cơ bản dựa trên cơ sở địa giới hiện có, dân số hiện hữu, tiềm năng của riêng Hải Phòng trước sáp nhập. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chính sách phù hợp, tương ứng để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm phù hợp với Văn bản số 14708-CV/VPTW về thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, nhà nước.

202505130832548886_f9a812f99ab62fe876a7.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với việc dự thảo Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vì tương tự như Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đối với miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, đề nghị bổ sung quy định “trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng” để bảo đảm thống nhất với chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu; đồng thời cần cân nhắc việc miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, người lao động sử dụng vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Về thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết, là quyết tâm chính trị của TP. Hải Phòng và Chính phủ; có đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, cần đánh giá tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền...; cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Cùng chuyên mục
Trình Quốc hội 41 chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng