Sớm phân bổ vốn đầu tư công để thúc đẩy giải ngân

(BKTO) - Việc chậm phân bổ chi tiết vốn đầu tư công (ĐTC) sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Để thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ đã giao dự toán, kế hoạch ĐTC và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn bảo đảm tập trung, tránh tình trạng chậm phân bổ chi tiết vốn.

11(1).jpg
Đến hết tháng 11/2024, các Bộ, ngành, địa phương đã phân bổ trên 739.968 tỷ đồng vốn ĐTC. Ảnh minh họa

Vẫn còn trên 10.000 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 11/2024, tổng số vốn ĐTC kế hoạch năm 2024 đã được các Bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết trên 739.968 tỷ đồng, đạt 108,81% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (680.075,8 tỷ đồng), gồm ngân sách trung ương (NSTW) là 244.078,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương (NSĐP) là 495.890,1 tỷ đồng.

Trong quá trình phân bổ chi tiết vốn ĐTC năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác trên 116.443 tỷ đồng; hoàn trả vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 trên 6.216 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng (70.019,1 tỷ đồng), tổng số vốn đã phân bổ là 669.949,25 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Như vậy, hiện còn trên 10.127 tỷ đồng, chiếm 1,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao chưa được 8/44 Bộ, cơ quan trung ương và 25/63 địa phương phân bổ chi tiết.

Nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết vốn được Bộ Tài chính chỉ ra là do nhiều Bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới được điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn năm 2024. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc các dự án khởi công mới được bổ sung kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số dự án điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm do không có khả năng thực hiện (đối với nguồn vốn trong nước) hoặc đang thực hiện đàm phán để ký kết và gia hạn hiệp định, một số dự án đang chờ điều chỉnh bổ sung kế hoạch ĐTC trung hạn (đối với nguồn vốn nước ngoài). Hơn nữa, còn có nguyên nhân là do địa phương để lại phân bổ sau, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số, bội chi NSĐP.

Với nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, những năm gần đây, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính luôn có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định về ĐTC và các quy định của Chính phủ, gửi Bộ Tài chính làm cơ sở để thực hiện kiểm tra việc phân bổ và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương nhập dự toán trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) theo đúng thời gian đã quy định để cơ quan tài chính có cơ sở phê duyệt, đảm bảo dự toán giải ngân cho các dự án. Đồng thời, Bộ Tài chính luôn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân vốn sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh cũng như điều chỉnh vốn giữa các Bộ, ngành, địa phương...

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu nếu giải ngân chậm

Tiến độ giải ngân vốn ĐTC có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc khẩn trương phân bổ vốn cho các Bộ, ngành, địa phương ngay từ sớm để kịp phân bổ chi tiết cho các dự án, công trình đã được Chính phủ hết sức coi trọng. Trong nhiều năm trở lại đây, việc phân bổ vốn cho năm sau đã được Chính phủ thực hiện trong tháng cuối cùng của năm trước. Đơn cử như việc giao vốn ĐTC nguồn NSNN năm 2025 đã được Chính phủ ban hành Quyết định số 1508/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025, giao dự toán, kế hoạch ĐTC từ nguồn tăng thu NSTW, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn NSTW (Quyết định 1508) vào ngày 10/12/2024. Song song với việc phân bổ vốn sớm, hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ chi tiết vốn và giải ngân vốn ĐTC.

Theo Quyết định 1508, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán, kế hoạch ĐTC vốn NSTW năm 2025 từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022, năm 2023 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã được giao Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung. Giao dự toán, kế hoạch ĐTC vốn NSTW năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi vốn NSTW năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các Bộ, cơ quan trung ương và điều chỉnh thông tin 2 dự án của Bộ Y tế để thực hiện các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định; giao dự toán, kế hoạch ĐTC vốn NSTW năm 2025 từ nguồn tăng thu NSTW năm 2021 cho các địa phương để triển khai thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia...

Bên cạnh việc giao vốn, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2025 bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt; không để xảy ra tiêu cực và phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn theo các quy định hiện hành. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có khả năng hấp thụ vốn, bảo đảm đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong ĐTC, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án; kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.../.

Cùng chuyên mục
Sớm phân bổ vốn đầu tư công để thúc đẩy giải ngân