Sớm tháo gỡ vướng mắc trong phát triển cảng biển

(BKTO) - Tại buổi tọa đàm “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức vào ngày 29/5 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển là hết sức quan trọng và là mấu chốt để giúp phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, để phát triển cảng biển và kinh tế biển cần sớm tháo gỡ những nút thắt, nhất là kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển.



                
   

Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Duy Thông

   
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hệ thống cảng biển với vùng biển rộng lớn, diện tích hơn 1 triệu km2, đường bờ biển dài hơn 3.200km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm dọc theo chiều dài đất nước. Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam xác định đến năm 2030 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Ngoài vị trí địa lý nằm cạnh đường thông thương quốc tế, Việt Nam còn có nhiều cửa sông, vịnh kín gió có thể xây dựng cảng biển mà không phải đầu tư quá lớn làm đê chắn sóng. Đến nay, cả nước đã hình thành được một hệ thống gồm 45 cảng biển, một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistic lớn. Hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất-nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước…

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam xứng tầm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, sự kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa vẫn còn những bất cập; quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, hạ tầng, dân cư-đô thị, lao động... chưa có sự đồng bộ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam Lê Công Minh, để phát huy các tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế vùng trọng điểm từ hệ thống cảng biển, việc đầu tiên là cần rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch dài hạn phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng cảng biển, sân bay, hệ thống cảng cạn ICD, trung tâm phân phối, dịch vụ tiện ích cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phân quyền và trách nhiệm cho địa phương trong việc đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đô thị, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ liên quan tại từng địa phương. Đặc biệt, có cơ chế giá phí, bảo đảm hài hòa lợi ích của chính quyền, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ sát hợp với năng lực và điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.
                
   

Đại biểu tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm - Ảnh: Duy Thông

   
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, đối với việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển cần một tầm nhìn ổn định, xa sao cho phù hợp với những biến đổi kinh tế một cách hợp lý nhất. Thực tế, những năm qua chúng ta chưa có một sự đầu tư đủ lớn nào để tạo cú hích phát triển kinh tế cảng biển. Hiện nay, trong điều kiện NSNN còn hạn chế chúng ta cần phối hợp Nhà nước và tư nhân để tạo ra nguồn lực tổng hợp đủ mạnh. Trong đó, Nhà nước phải tạo ra luật chơi và DN tư nhân là người chơi, phải tạo điều kiện sao cho các DN tư nhân phát triển lớn mạnh hơn đáp ứng được các yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến khác cho rằng, để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam xứng tầm, điều quan trọng là phải tạo được sự kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Cùng với đó là quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch dân cư - đô thị... một cách hợp lý, đồng bộ.

LÊ HÒA(Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Sớm tháo gỡ vướng mắc trong phát triển cảng biển