Thất thoát nhiều khoản tiền lớn
CBSL cho biết, 5 báo cáo kiểm toán đã được hoàn thành, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng tạm thời chỉ công bố một phần của các báo cáo. Các báo cáo kiểm toán trên được tổng hợp, biên soạn bởi hai hãng kiểm toán hàng đầu quốc tế là KPMG và BDO, được bàn giao cho CBSL vào đầu tháng 11/2019. Các hãng kiểm toán này được ủy quyền theo khuyến nghị từ Ủy ban Điều tra của Tổng thống Sri Lanka.
Trong số đó, một Báo cáo kiểm toán công bố kết quả cuộc điều tra các hoạt động của Cục Nợ công (trực thuộc CBSL), tập trung vào công tác phát hành trái phiếu kho bạc và việc chuyển tiền vào Kho bạc trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2015 đến 31/3/2016.
Cuộc điều tra đã phát hiện ra nhiều điểm bất thường trong công tác phát hành trái phiếu kho bạc dẫn đến việc Chính phủ Sri Lanka phải chịu một khoản lỗ khổng lồ, ít nhất cũng là 6,64 tỷ Rupi Sri Lanka (LKR), tương đương 35,83 triệu USD. Nhiều khoản tiền thất thoát khác vẫn chưa được thống kê chính xác, đầy đủ.
Báo cáo cũng đã chỉ ra một số bất thường trong khoảng thời gian trên và quy trách nhiệm cho nhiều cá nhân, bao gồm cả cựu Thống đốc CBSL Arjuna Mahendran. Ông này cùng Ban Lãnh đạo Cục Nợ công đã tự ý đưa ra nhiều quyết định dù chưa nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Tiền tệ - CBSL.
Các báo cáo kiểm toán khác cho biết thêm, ngân sách của CBSL được sử dụng vào mục đích đầu tư đã thất thoát rất nhiều; các khoản đầu tư lớn bị mất tập trung chủ yếu từ năm 2010 đến 2012; 19 cơ quan, tổ chức, DN lớn nhất cả nước đã cố tình gian lận gây thiệt hại cho Quỹ Tiết kiệm (EPF). Đây là quỹ được thành lập theo Đạo luật số 15 năm 1958 và hiện là Chương trình an sinh xã hội lớn nhất ở Sri Lanka, giúp nhân viên của các công ty, tổ chức, DN khu vực công và tư nhân được đảm bảo sự ổn định và gia tăng tài chính.
Theo Đạo luật EPF, người lao động đóng góp tối thiểu 8% và người sử dụng lao động đóng góp 12% tổng số tiền lương của nhân viên hằng tháng. EPF được CBSL đầu tư vào tín phiếu, trái phiếu, chứng khoán... để gia tăng lợi nhuận. Do đó, nguồn ngân sách 2.300 tỷ LKR của EPF (tính đến cuối năm 2018) do 18 triệu người lao động và 85.000 người sử dụng lao động đóng góp đã đem lại cho EPF khoản tiền lãi hằng năm lên tới 12 tỷ LKR.
Đặc biệt, các báo cáo kiểm toán đã chỉ trích 19 công ty gây thiệt hại cho EPF bằng nhiều hình thức gian lận khác nhau. Tổng thiệt hại CBSL phải gánh chịu ít nhất lên đến 9 tỷ LKR.
Làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan
Mặc dù các hãng kiểm toán được ủy quyền tuyên bố đã hoàn thành các báo cáo kiểm toán cần thiết và bàn giao cho CBSL nhưng các thành viên trong Ban Lãnh đạo CBSL đều cho rằng, con số thiệt hại mà CBSL phải gánh chịu có thể chưa dừng lại ở đó. Những khoản tiền chưa được thống kê đủ, những đối tượng liên quan cần được điều tra, xác minh rõ hơn.
TS. W.A. Wijewardena - cựu Phó Thống đốc CBSL - chia sẻ, ông không thể tin được khi đọc các báo cáo kiểm toán. Cựu Thống đốc và một số thành viên trong Ban Lãnh đạo tiền nhiệm của CBSL đã quá tắc trách gây thất thoát những khoản tiền khổng lồ như vậy. Ông cho rằng, ngoài những cá nhân bị nêu tên, toàn bộ thành viên củy Ủy ban Tiền tệ tiền nhiệm phải chịu trách nhiệm đối với bất kỳ sai phạm, thiếu sót hay bất thường nào trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách của cơ quan, đặc biệt là các khoản đầu tư của EPF.
Sau khi hai hãng kiểm toán hoàn thành các báo cáo, Ủy ban Tiền tệ đương nhiệm của CBSL đã có cuộc họp bàn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sri Lanka về kế hoạch công khai đầy đủ toàn bộ các báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất, một số báo cáo có thể được công khai rộng rãi, song một phần trong các báo cáo là bằng chứng của các cuộc điều tra đang tiếp tục được tiến hành làm rõ nên được giữ kín và nên giới hạn việc tiếp nhận để phục vụ công tác điều tra. Tạm thời, chỉ những người có thẩm quyền theo luật định mới được tiếp cận và phải đảm bảo giữ bí mật đến khi các cuộc điều tra được hoàn thành, khi đó, toàn bộ các báo cáo kiểm toán sẽ chính thức được công khai.
THANH XUYÊN