Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 23/5 |
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu, qua theo dõi hoạt động KTNN trong Khóa XIV của Quốc hội cho thấy hoạt động của KTNN rất hiệu quả. Các tài liệu KTNN gửi cho đại biểu Quốc hội là một trong những kênh thông tin mà đại biểu thu nhận được nhiều thông tin hữu ích nhất, đặc biệt là vấn đề quản lý tài chính, tài sản công. KTNN đã làm được nhiều việc, góp phần thu hồi lại ngân sách rất lớn cho Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đã xuất hiện những bất cập, khó khăn do những quy định trong Luật KTNN. Vì vậy, việc đề xuất sửa đổi pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN trong thời gian tới là rất cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đồng tình việc sửa đổi, bổ sung Luật để KTNN phát huy được vai trò Hiến định độc lập. Liên quan đến quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ để tránh dẫn chiếu những quy định trùng lặp với Luật Phòng, chống tham nhũng.
Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, đại biểu Bình bày tỏ đồng tình cao song đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thế nào là tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức cá nhân có liên quan và quy định quyền hạn, phạm vi, trình tự, thủ tục của KTNN trong việc kiểm tra, đối chiếu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đồng tình với việc cần bổ sung các quy định tăng cường vai trò, trách nhiệm của KTNN góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng trong dự án Luật, song đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc tăng quyền lực cho cơ quan KTNN phải đi kèm với giám sát việc thực hiện quyền lực này.
Đại biểu Cường cũng thể hiện quan điểm đồng tình quy định phạm vi và trách nhiệm của đơn vị có liên quan đến hoạt động KTNN (không phải chỉ có đơn vị được kiểm toán). Bởi theo đại biểu, thực tế việc thất thoát ngân sách và tài sản nhà nước không chỉ nằm ở đơn vị sử dụng mà còn ở các đơn vị có liên quan. Nhiều nước trên thế giới đã quy định kiểm toán có trách nhiệm rà theo “đường đi”, dấu vết của dòng tiền ngân sách để kiểm soát xem tiền ngân sách có được sử dụng đúng mục đích hay không.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN |
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, đại biểu Hoàng cho rằng, nếu không giao thẩm quyền cho KTNN thì trong thực tế hoạt động sẽ có những vướng mắc. Vì vậy, việc đưa vào Dự thảo Luật quy định KTNN có chức năng xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung đánh giá về những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật hơn 3 năm để có thêm căn cứ, tài liệu nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Một số đại biểu đề nghị, đối với những hành vi vi phạm hành chính của các cá nhân, tổ chức không phải là cơ quan nhà nước, cán bộ công chức thì có thể quy định cho KTNN thực hiện xử phạt hành chính nhưng Dự thảo Luật cần nghiên cứu để quy định rõ hành vi vi phạm bị xử phạt; xây dựng mức phạt tối đa, mức phạt và thẩm quyền xử phạt… Rà soát các điều khoản liên quan đến Luật xử phạt vi phạm hành chính để có phương án chỉnh sửa phù hợp.
Ngoài ra, các đại biều đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định phân rõ thẩm quyền, nguyên tắc phối hợp giữa cơ quan KTNN và thanh tra để tránh trùng lặp đối tượng thanh tra, kiểm toán; góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) góp ý, để tránh chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, trong xây dựng kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra phải phối hợp, thống nhất với nhau. “Trong trường hợp không thống nhất được thì theo luật, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, Thanh tra Chính phủ là cơ quan giúp bộ máy hành pháp của Chính phủ, do Chính phủ thành lập. Trong trường hợp này kế hoạch kiểm toán của KTNN có giá trị cao hơn’- đại biểu Bình nói.
Về quy định cho phép Kiểm toán viên nhà nước truy cập dữ liệu điện tử. Các đại biểu cho rằng, quy định này là cần thiết để kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ song phải có nguyên tắc chặt chẽ để đảm bảo quyền bảo mật thông tin của đơn vị được kiểm toán.
Liên quan đến chức năng giám định tư pháp, các ý kiến cơ bản tán thành việc bổ sung quy định này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, KTNN chỉ nên thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu để tránh chồng chéo, trùng dẫm với các cơ quan khác có chức năng tương đương.
Bài và ảnh: KIM AN