Sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp

(BKTO) - Ngày 10/01, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

100120240911-0110tc-1-.jpg

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) ban hành năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp (DN) phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại DN có vốn nhà nước...

Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 DN có vốn nhà nước. Các DN này đã tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định.

Tuy nhiên, thời gian qua, có sự điều chỉnh một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn, qua rà soát cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể như, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của DN; chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN.

Việc đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW chưa được thể hiện đầy đủ như về tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình DN, chức năng quản trị kinh doanh của DN nhà nước; việc xác định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN chưa rõ, các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động quản trị DN chưa thực sự được khắc phục…

Việc đầu tư vốn, bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn nhà nước tại DN chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt; một số quy định liên quan đến quản trị tại DN do Nhà nước đầu tư trực tiếp còn bất cập…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật số 69/2014/QH13, thực hiện các chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cần thiết phải sửa đổi căn bản, toàn diện Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tại Phiên họp thứ 14 (ngày 11/8/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị bổ sung Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, đây là Dự án Luật khó, nhiều vấn đề phải giải quyết, do đó, đến nay Bộ Tài chính mới đang báo cáo Chính phủ để hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật này.

Tại Tọa đàm, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các DN, tập đoàn, tổng công ty đã có bài tham luận, thảo luận về sự cần thiết phải sửa đổi Luật và dự kiến một số chính sách mới của Dự thảo Luật, tập trung vào một số vấn đề như: quan điểm sửa đổi Luật; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; về nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN của Chính phủ, các Bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; về giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá DN; về báo cáo, công bố, công khai thông tin DN.

Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về vấn đề đầu tư vốn nhà nước vào DN, trong đó có việc xác định nguồn vốn nhà nước đầu tư vào DN; mục đích, yêu cầu, hình thức và nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào DN; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước vào DN; về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN, trong đó việc sắp xếp, chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại DN…

Các thông tin tại Tọa đàm sẽ là các tư liệu, căn cứ để giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật và cung cấp thông tin cho cơ quan thẩm tra trong quá trình thẩm tra Dự án Luật khi Chính phủ trình.

Cùng chuyên mục
Sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp