Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cần chỉnh sửa, bỏ quy định không phù hợp về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đề nghị, chỉnh sửa quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN trong quản lý thuế, để bảo đảm tính thống nhất các quy định của Luật KTNN, Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan đối với việc kiểm toán hoạt động của cơ quan quản lý thuế.




Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn

Sáng nay (8/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương, 152 điều, với các quy định về: nội dung, nguyên tắc quản lý thuế và các hành vi bị cấm; đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế; các biện pháp xử lý nợ đọng thuế: khoanh nợ, xóa nợ, miễn tiền thuế, tiền chậm nộp; áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử; thanh tra, kiểm tra thuế và các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân phủ pháp luật thuế của người nộp thuế; hoàn thiện các quy định về cưỡng chế nợ thuế; xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế...

Đáng chú ý, Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế như Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; HĐND, UBND các cấp theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong quản lý thuế; Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế. Các Bộ, ngành có liên quan được xây dựng theo hướng phối hợp thực hiện quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành.

Dự thảo Luật cũng quy định, cơ quan KTNN, Thanh tra Nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, pháp luật về thanh tra, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế: trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Thẩm tra Dự án Luật, liên quan đến nội dung này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đề nghị, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ trong việc quản lý thuế cần bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế.

Về quyền của người nộp thuế, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị bổ sung quy định quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan KTNN, cơ quan Thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền khi kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi thanh tra, kiểm toán công tác quản lý thu NSNN của cơ quan quản lý thuế.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp trong việc quản lý thuế, đề nghị bổ sung quy định về phối hợp giữa cơ quan thanh tra các cấp, KTNN và các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, thực hiện pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN, Thanh tra Nhà nước và kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra thuế, báo cáo thẩm tra nêu rõ: Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN (Điều 21), Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với khoản 1 Điều này để bảo đảm tính thống nhất các quy định của Luật KTNN, Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan đối với việc kiểm toán hoạt động của cơ quan quản lý thuế.

Đối với khoản 2, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cần chỉnh sửa lại khoản này theo hướng, KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN ban hành theo quy định của Luật KTNN.

Đối với quy định về cơ quan thanh tra (Điều 22), cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi thống nhất như Điều 21 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cơ quan KTNN.

Về trường hợp có sự khác biệt của cơ quản lý thuế qua kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra với kiến nghị của cơ quan KTNN và kết luận của cơ quan Thanh tra (khoản 4 Điều 110, khoản 3 Điều 119), đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị bỏ các quy định này. Theo cơ quan thẩm tra, việc quy định như Dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định của Luật KTNN, Luật Thanh tra; chưa bao quát hết các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quản lý thuế (như cơ quan điều tra, kiểm tra Đảng…). Mặt khác, các cơ quan không cùng hệ thống hành pháp song lại quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định khi có sự khác nhau với cơ quan hành pháp là không đúng với các nguyên tắc tổ chức Nhà nước và không phù hợp về thẩm quyền quyết định. Đồng thời, nội dung quy định tại khoản này cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng, trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan KTNN thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan thanh tra và các cơ quan khác thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo chương trình, Dự án Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tổ tại phiên họp sáng (12/11), sau đó Quốc hội thảo luận tại hội trường vào phiên họp sáng 16/11.
         
Điều 21.Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước
   
   1.Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về Kiểm toán Nhà nước, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.
   
   2. Đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều110, Điều 113, khoản 3 Điều 119 của Luật này.
   
   Điều 110. Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế“
   
   4. Trường hợp kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý thuế khác với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này.”
   
   Điều 119.Kết luận thanh tra thuế
   
   “3. Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuếc ó sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
   
   (Trích Dự thảo 6, Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) trình Quốc hội sáng 8/11)
N. HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Đảm bảo cân đối nguồn lực thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016-2020, bên cạnh những kết quả tích cực, tình trạng phân bổ, giải ngân vốn chậm sẽ tạo sức ép lớn trong việc cân đối nguồn vốn cho 2 năm còn lại. Để đạt được mục tiêu cho cả giai đoạn, Chính phủ cần đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn; tình hình phân bổ vốn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
  • Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư bày tỏ tin tưởng, với truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị...
  • Đảm bảo thực thi quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH lần này tập trung mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của chính sách tự chủ đại học trong Luật hiện hành. Đây cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại phiên họp sáng 6/11.
  • Chủ động rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Cùng với việc nhìn nhận những cơ hội và thách thức khi tham gia CPTPP, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chủ động, sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo thực thi Hiệp định có hiệu quả, phát huy hết các cơ hội, tránh các rủi ro.
  • Quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết:  Còn nhiều gánh nặng và rào cản
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hơn một năm sau khi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK) được ban hành, cơ quan thuế đã chặt chẽ hơn trong việc thanh kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các GDLK của DN, đặc biệt là những DN đã từng có hành vi trốn thuế, chậm nộp thuế hoặc có rủi ro cao về kê khai và nộp thuế. Chính vì vậy, các DN cần phải nắm rõ những quy định của Nghị định 20 cũng như hệ thống luật pháp về thuế. Nếu bỏ qua hoặc không nắm chắc các quy định này, bản thân DN sẽ rất dễ đối mặt với rủi ro và hình phạt khi vi phạm.
Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cần chỉnh sửa, bỏ quy định không phù hợp về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước