Sửa đổi quy định, hướng đến trả lương theo vị trí, việc làm

(BKTO) - Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Dự án Luật) với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có quy định về việc trả lương cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đang được Bộ Nội vụ xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dưới góc nhìn của chuyên gia cũng là người có nhiều năm gắn bó với ngành nội vụ, TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - đã chia sẻ với Báo Kiểm toán để làm rõ thêm về vấn đề này.



♦ Thưa ông, một trong những nhiệm vụ quan trọng khi sửa đổi Dự án Luật là xác định rõ vị trí việc làm, làm căn cứ để tuyển dụng, sử dụng và trả lương cán bộ, công chức, viên chức. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu... Tuy nhiên, do chưa xác định rõ việc xây dựng vị trí việc làm là bắt buộc, đồng thời có sự đồng nhất giữa vị trí việc làm và biên chế, số lượng người làm việc nên việc triển khai các quy định liên quan đến vị trí việc làm thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

         

   TS. Thang Văn Phúc
   
Cụ thể, việc xây dựng khung năng lực vị trí việc làm còn định tính; chưa có tiêu chí đánh giá về khối lượng công việc để làm căn cứ tính toán xác định khoa học số lượng người ở mỗi vị trí việc làm hoặc để xác định một người có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Điều đó dẫn đến khó khăn trong quá trình xác định biên chế công chức và số lượng viên chức theo vị trí việc làm; cơ chế tuyển công chức, viên chức hiện nay vẫn chưa thực sự gắn với vị trí việc làm; quy định tuyển dụng chưa có độ “mở” cần thiết để chọn được người phù hợp với công việc...

Xuất phát từ thực tế đó, Dự án Luật quy định xác định rõ vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức sẽ được định lượng bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương, bảo đảm xuyên suốt, liên tục, đa chiều và đúng với năng lực của người làm.

♦ Việc sửa Luật có ý nghĩa ra sao đối với lộ trình cải cách tiền lương nói riêng và nâng cao chất lượng cán bộ nói chung theo tinh thần của T.Ư, thưa ông?

- Trước hết, việc xây dựng Dự án Luật là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của T.Ư về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN.

Việc sửa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có ý nghĩa quan trọng với lộ trình cải cách tiền lương - Ảnh: Nguyễn Lộc

Cụ thể, Nghị quyết số 107/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm để làm căn cứ xây dựng và thực hiện chế độ tiền lương mới.

Như vậy, việc sửa đổi Dự án Luật là bước triển khai đầu tiên các nghị quyết của T.Ư, Chính phủ trong hàng loạt các công việc cần thực hiện để đảm bảo lộ trình cải cách tiền lương được diễn ra đúng kế hoạch. Luật được sửa đổi, hoàn thiện sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các công việc tiếp theo liên quan đến lộ trình cải cách tiền lương. Những quy định mới, như: quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; trả lương theo vị trí việc làm, chức danh... sẽ thay thế cách tính lương theo hệ số thâm niên công tác, loại bỏ tư duy trì trệ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác của cán bộ, công chức, viên chức nói chung.

♦ Trong lần sửa đổi này, quy định về chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ nhân tài thay đổi ra sao so với trước, thưa ông?

- Quá trình thực hiện cho thấy, các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa có chiến lược dài hạn về đào tạo, sử dụng nhân tài. Các quy định về thu hút nhân tài chủ yếu mới chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào, chưa tạo được cơ chế, môi trường làm việc độc lập, cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng; chưa đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho người đứng đầu địa phương, Bộ, ngành trong công tác thu hút, sử dụng người có tài năng.

Do đó, Dự án Luật dự kiến sửa đổi quy định về chính sách đối với người có tài năng theo hướng Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách đối với người tài trong từng ngành, lĩnh vực và phân cấp cho Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể quy định chi tiết chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người tài.

Việc sửa đổi này là cần thiết, bởi thực tế thời gian qua, có rất nhiều trường hợp người tài không thể gắn bó lâu dài với công việc, do thiếu động lực làm việc; hoặc có nơi không thể tuyển dụng người tài do vướng mắc về cơ chế, quy định... Tuy nhiên, ngoài những quy định trên, chúng tôi cho rằng, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và có chế tài xử lý nghiêm với các trường hợp đi ngược lại với quy định, nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực, đưa người thân vào vị trí công tác, hạn chế cơ hội cống hiến của người tài.

♦Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHỐ HIẾN (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019
Cùng chuyên mục
Sửa đổi quy định, hướng đến trả lương theo vị trí, việc làm