Hỗ trợ tài chính cho sinh viên: Chủ động tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi ngoài ngân sách

(BKTO) - Theo lộ trình đến năm 2020, giá dịch vụ giáo dục sẽ được tính đủ chi phí cần thiết vào học phí. Điều này đồng nghĩa với mức học phí sẽ tăng cao, tạo áp lực lớn đối với người học. Do đó, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nhiều trường cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi ngoài ngân sách để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên (HSSV) có thêm cơ hội được học tập.



Đổi mới chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên

Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí, các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ sẽ thực hiện tăng học phí theo lộ trình. Đến năm học 2020-2021, mức học phí của một số cơ sở đào tạo sẽ tăng mạnh so với hiện nay. Do đó, ngoài chính sách học bổng, trợ cấp cho HSSV nghèo, gia đình chính sách…, nhiều chuyên gia cũng như những người quan tâm đến giáo dục cho rằng, cần tăng mức cho vay cũng như nâng cao hiệu quả của tín dụng HSSV theo Quyết định số 157/2007QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc có thêm nguồn vay ưu đãi vừa góp phần mở ra cơ hội học tập cho HSSV, vừa giúp giảm gánh nặng cho NSNN - Ảnh: Mỹ Trà

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết năm 2018, doanh số cho vay đối với HSSV trên cả nước đạt hơn 62.000 tỷ đồng với hơn 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh số cho vay của chương trình này giảm dần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân chính do nhu cầu vay giảm mạnh. Cũng theo Ngân hàng này, tính trung bình một HSSV học tại Hà Nội phải chi từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, hạn mức cho vay vốn vẫn ở mức tối đa là 1,5 triệu đồng/HSSV/tháng nên chưa khuyến khích được HSSV vay vốn. Bên cạnh đó, sự chậm trễ về thủ tục xác nhận cho HSSV của chính các cơ sở đào tạo cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu vay vốn giảm mạnh.

Từ thực tế vay vốn của SV Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, TS. Đào Thanh Bình (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình vẫn tồn tại một số bất cập, như: công tác tuyên truyền, phổ biến về nguồn vốn vay còn hạn chế, nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp... Do đó, Ngân hàng Chính sách cùng các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc cho vay, giám sát và thu hồi vốn; hoàn thiện cơ chế, chính sách về đối tượng vay, mức vốn vay, phương thức giải ngân, thời hạn trả lãi và gốc vay…

TS. Lê Thị Minh Ngọc (Học viện Ngân hàng) cũng nhấn mạnh yêu cầu cần thực hiện đổi mới chính sách tín dụng hỗ trợ HSSV, trong đó tập trung vào một số giải pháp, như: quy định nhiều định mức cho vay tương ứng với từng nhóm SV thay vì một định mức chung như hiện nay; áp dụng hình thức trả nợ theo mô hình tín dụng tùy theo thu nhập của SV sau tốt nghiệp đi làm, mức trả nợ phù hợp với thu nhập hằng tháng…

Cần đa dạng nguồn lực tài chínhhỗ trợ học sinh, sinh viên

Rõ ràng, câu chuyện đổi mới chính sách tín dụng cho HSSV là yêu cầu bức thiết để thực hiện hỗ trợ hiệu quả chủ trương giúp những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi ước mơ học tập. Tuy nhiên, trong bối cảnh NSNN có hạn, việc trông chờ quá nhiều vào nguồn lực này khó đem lại hiệu quả. Do đó, thời gian gần đây, một số trường đã chủ động tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi ngoài ngân sách dành cho HSSV.

Từ nhiều năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở đào tạo tiên phong trong việc kêu gọi nguồn lực hỗ trợ SV vay vốn ưu đãi. Cụ thể, theo Thỏa thuận hợp tác giữa ĐH này với Ngân hàng United Overseas (Singapore), Ngân hàng đã dành nhiều tỷ đồng hỗ trợ SV của ĐH Quốc gia Hà Nội học tập với mức lãi suất 0%.

Bắt đầu từ năm học 2018-2019, Trường ĐH Ngoại thương áp dụng Chương trình vay vốn không lãi suất của Tổ chức Mabuchi (Nhật Bản) dành cho SV của Trường với mức vay 1 triệu đồng/SV/tháng trong suốt năm học. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng hợp tác với Ngân hàng TMCP Phương Đông để cung cấp gói dịch vụ tài chính riêng biệt cho giáo viên và SV của Trường, trong đó, một nguồn tài chính được dành cho vay ưu đãi đối với SV để theo đuổi ước mơ học tập. Ngoài ra, nhiều trường cũng dành nhiều chương trình học bổng được trích từ nguồn thu của trường cũng như từ nguồn hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức cho HSSV có tinh thần vượt khó học tập, giúp các em tiếp tục phấn đấu học tập tốt.

TS. Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam - đánh giá, những hỗ trợ vừa qua là thiết thực, giúp cho HSSV có thêm cơ hội được học tập. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, số lượng đơn vị dành nguồn vốn vay ưu đãi cho HSSV vẫn quá thấp. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân, một là do trường chưa chủ động tìm kiếm nguồn lực, hoặc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực; hai là tâm lý coi hỗ trợ cho SV là việc của Nhà nước.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, ngoài Ngân hàng Chính sách, các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính tiêu dùng nên mở rộng các sản phẩm, dịch vụ tài chính dành cho HSSV và coi đây là một mảng của thị trường tín dụng tiêu dùng có nhiều tiềm năng để phát triển các khoản vay nhỏ. Bởi, đây là cách làm đang được Nhà nước khuyến khích, các trường và SV rất chào đón. Điều quan trọng, đó là các đơn vị cần phải đưa ra mức lãi suất, lộ trình chi trả phù hợp với đối tượng HSSV khó khăn; xây dựng và thực hiện theo đúng các cam kết, tránh làm gián đoạn việc học tập của HSSV...

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019
Cùng chuyên mục
Hỗ trợ tài chính cho sinh viên: Chủ động tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi ngoài ngân sách