Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Tăng tính hấp dẫn của chính sách

(BKTO) - Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành, Luật BHXH (sửa đổi) đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự thảo theo hướng thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong đó đáng chú ý là Luật sẽ có chính sách nhằm tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; sửa đổi điều kiện hưởng hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí…

66209bff7ecfbe91e7de.jpg
Ông Trần Hải Nam chia sẻ về một số nội  dung dự kiến sửa đổi Luật BHXH. Ảnh: Đ. KHOA

Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt

Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022, ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ 01/01/2016), sau 06 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cho thấy những bất cập, hạn chế cần nghiên cứu hoàn thiện. Đó là thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu với tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, khiến nhiều người không chờ được, chọn rút BHXH 1 lần; người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản…

Do đó, Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật BHXH và các Luật có liên quan (như Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Việc làm…)

Chia sẻ về dự kiến một số nội dung sửa đổi Luật BHXH, ông Trần Hải Nam cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) lần này tập trung vào điều chỉnh 5 chính sách BHXH, nhằm cụ thể hóa chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt gồm: tầng trợ cấp hưu trí xã hội (đang được quy định ở Luật Người cao tuổi với tên gọi là trợ cấp xã hội); BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện); bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Đối với tầng hưu trí xã hội, Luật sẽ sửa theo hướng người lao động đã tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn (theo quy định hiện hành, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội là 80 tuổi, với mức trợ cấp 360.000 đồng/tháng).

“Chính sách này nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, đặc biệt giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH cơ bản. Qua đó, người lao động có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, hoặc hưởng ít nhất một trong các tầng của hệ thống BHXH” – ông Nam cho biết.

Cùng với đó, Luật BHXH (sửa đổi) cũng sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; trong đó bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng như: chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương. Đồng thời, quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.

Trong lần sửa đổi Luật này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nghiên cứu tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện, vì hiện nay người tham gia BHXH mới chỉ có chính sách hưu trí…

“Quy định này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 28 -NQ/TW về diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể là chúng ta phải phấn đấu đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi…” - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH nhấn mạnh.

Tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội

Một chính sách quan trọng được dư luận quan tâm trong sửa đổi Luật BHXH này, đó là điều chỉnh điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Ông Trần Hải Nam cho biết, mục đích của chính sách này là nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Vừa qua, một bộ phận người lao động nhận BHXH một lần cho rằng thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu khá dài nên không thể tham gia. Vì vậy, việc giảm năm đóng tối thiểu hưởng lương hưu xuống sẽ giúp người lao động ở lại với hệ thống BHXH…

Đi đôi với điều chỉnh giảm mức đóng, ông Nam cho biết sẽ sửa các quy định về cách tính lương hưu để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, nhằm giúp họ có được khoản tiền lúc về già.

“Chúng ta không khuyến khích đóng ngắn, đây là phương án để mở ra điều kiện, cơ hội cho nhiều người lao động ở lại với hệ thống BHXH, nhằm giúp họ có tiền khi về già. Đối với những người lao động có thu nhập ổn định thì khuyến khích tham gia lâu để có mức lương đảm bảo cuộc sống tốt hơn…” - ông Nam chia sẻ.

Dự kiến, Dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024); Luật có hiệu lực từ đầu năm 2025./.

Cùng chuyên mục
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Tăng tính hấp dẫn của chính sách