Sửa Luật để siết chặt quản lý đất đai

(BKTO) - Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thẳng thắn nhìn nhận nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, đồng thời nhấn mạnh việc phải sửa Luật Đất đai để giải quyết những bất cập này.



Kiên quyết thu hồi đấtđối với các dự án “treo”

Trong rất nhiều bất cập, hạn chế được các đại biểu Quốc hội nêu lên, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc trước thực trạng đất đai sử dụng sai mục đích. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, có tình trạng đất đai sau khi thu hồi để thực hiện các dự án bị để hoang hóa, gây lãng phí, thất thoát cho NSNN…

Nhìn nhận vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ về điều kiện, năng lực và các cơ chế tài chính để ràng buộc trách nhiệm với DN đầu tư... Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được xử lý do sự chồng chéo trong quy định pháp luật. Cụ thể, theo quy định Luật Đất đai 2013, dự án không thực hiện đúng tiến độ sau 24 tháng sẽ bị thu hồi và trường hợp nhất định có thể cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa. Trong khi đó, thời hạn này quy định tại Luật Đầu tư là 12 tháng. “Quan điểm của cá nhân tôi là nên thu hồi dự án treo, chậm tiến độ nếu sau 12 tháng DN không triển khai đầu tư, thực hiện”- Bộ trưởng nói.

Một dự án quy hoạch treo ở tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Lê Lâm

Cũng theo Bộ trưởng, Luật Đất đai hiện nay cho phép thu hồi song không yêu cầu nhà đầu tư phải bồi hoàn và đây là điểm bất cập. Bởi thực tế, nhiều dự án đã được chủ đầu tư dùng để thế chấp đất, vay vốn ngân hàng nên khi thu hồi dự án “treo” này sẽ gặp vướng mắc giữa Luật Tổ chức tín dụng với Luật Đất đai. Bộ trưởng đề nghị, cần phải xem xét sửa Luật để tạo điều kiện cho ngân hàng coi đất thế chấp là tài sản và họ được bán đấu giá để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Một bất cập khác là vấn đề định giá đất đai. Theo Bộ trưởng, hiện có 5 phương pháp định giá đất đai, nhưng Việt Nam rất khó thực hiện, bởi đất đai rất biến động, chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang quy hoạch đất phát triển bất động sản đã khác nhau lớn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn đại biểu Quốc hội ủng hộ Bộ trong vấn đề sửa Luật, điều chỉnh chính sách đất đai dựa trên công cụ kinh tế để xác định giá đất đai và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai trước và trong khi quy hoạch để tính toán thu đầy đủ thuế Giá trị gia tăng. “Đấu giá đất đai là tốt nhất nhưng cần dựa trên giá thị trường, làm sao thông tin thị trường là chính xác nhất mà không phải là giá ảo hay bị đẩy lên” - Bộ trưởng nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc có nên sử dụng chính sách ưu đãi nhà đầu tư bằng việc giao đất với giá thấp và miễn tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư hay không, Bộ trưởng nêu rõ quan điểm: Đã là tài sản thì không nên cho không ai. Theo Bộ trưởng, tài sản phải giao đúng, phải hạch toán vào sản xuất thì lúc đó hiệu quả sản xuất mới đánh giá được. “Mảnh đất đó khai thác hiệu quả thì chúng ta thu thuế thu nhập, còn không khai thác phải truy thu thuế đất đai để người sử dụng đất bắt buộc phải tính toán hiệu quả” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngăn chặn thất thoát từđất đai khi cổ phần hóa DN

Quản lý đất đai khi thực hiện cổ phần hóa DN sao cho hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí tài sản cũng là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Dẫn báo cáo của KTNN về thất thoát trong thực hiện các dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng, trong chuyển quyền sử dụng đất đai đối với các DNNN đã cổ phần hóa, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ trách nhiệm và giải pháp của Bộ để giải quyết vấn đề này. Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): “Có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong cổ phần hóa, gây thất thoát đất đai, biến đất công thành đất tư. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đâu là nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới?”.

Giải trình chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, vấn đề thất thoát sau khi cổ phần hóa DNNN là do chúng ta chưa làm tốt công tác quản lý. Theo Bộ trưởng, sau khi cổ phần hóa, các DN ngay lập tức chuyển đổi mục đích sử dụng. Như vậy là vi phạm 2 vấn đề. Thứ nhất là không đúng tiêu chí hoạt động, tức là chuyển sang kinh doanh thương mại và bất động sản, sai với mục tiêu cổ phần hóa đã định ra. Thứ hai là quá trình chuyển mục đích như vậy không đưa vào đấu giá mà áp đặt giá thấp không đáp ứng thị trường. “Giá đó thấp hơn nhiều nên khi chuyển đổi mục đích sử dụng giá nâng cao hơn so với định giá. Đây là thất thoát rất lớn nguồn lực từ đất đai”- Bộ trưởng cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta phải làm tốt khâu thẩm định để làm sao giá đó thực sự là giá thị trường. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá các quỹ đất, nếu không sử dụng, không có nhu cầu phù hợp thì thu hồi. Những đất có thể đáp ứng thị trường và phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất đai, xây dựng thì thu hồi và đưa vào quỹ đất để phục vụ lợi ích công cộng, phục vụ phát triển thương mại, thu nguồn lực lại cho Nhà nước.
         
Qua kiểm toán các dự án BT, KTNN đánh giá, việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách. Quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 07-6-2018
Cùng chuyên mục
Sửa Luật để siết chặt quản lý đất đai