Sửa Luật Quản lý nợ công: Đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới

(BKTO)- Lần đầu tiên Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 8 diễn ra ngày 20/3. Dự thảo Luật đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu, nhất là các quy định liên quan đến phạm vi và quản lý nhà nước về nợ công…




Cần thiết phải sửa Luật

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý nợ công cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.


Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) quy định phải công bố công khai Báo cáo kiểm toán về quản lý, sử dụng vốn nợ công.
Ảnh: TS

Mặt khác, qua 6 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi Luật Quản lý nợ công 2009 đã lộ diện nhiều bất cập, như: còn có quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công; chưa có phân định rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công; những hạn chế trong các quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ… Đặc biệt, công tác quản lý nợ công còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao; những rủi ro phát sinh từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Những tồn tại này đòi hỏi phải được khắc phục thông qua việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công.

Ngoài ra, “việc sửa đổi Luật còn nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng, giám sát nợ công cho phù hợp với tình hình mới” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Băn khoăn cách tính nợ công

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đồng quan điểm việc sửa Luật trên nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra về quản lý nợ công trong tình hình mới. Tuy nhiên, không ít đại biểu còn băn khoăn về một số nội dung trong Dự thảo Luật.

Liên quan đến phạm vi nợ công, Dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật hiện hành. Theo đó, nợ công chỉ bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Từ đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Ở các nước thì ngân hàng T.Ư là độc lập nhưng ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại thuộc hệ thống Chính phủ, vậy khoản vay của NHNN không tính vào nợ công liệu có phù hợp?” Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu câu hỏi: “Cách tính này có phù hợp với thông lệ quốc tế?”. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu quan ngại, việc không đưa nợ của DNNN vào phạm vi nợ công có đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện của Việt Nam hiện nay?

Giải trình các câu hỏi trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: NHNN Việt Nam thực hiện vai trò là ngân hàng T.Ư thực thi chính sách tiền tệ để đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán, trong đó có hoạt động phát hành các công cụ nợ. Đây thực chất là nghiệp vụ điều hành cung cầu tiền tệ theo mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Vì vậy, khoản huy động của NHNN không có tính chất huy động vốn vay và do đó không thuộc phạm vi nợ chính phủ. Đối với khoản nợ của DNNN, DNNN là công ty TNHH một thành viên, chịu trách nhiệm trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp DN không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ DN sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp. Mặt khác, kết quả nghiên cứu hơn 40 nước trên thế giới cho thấy chỉ có 4 nước tính nợ của DNNN vào nợ công.

Nội dung khác thu hút sự quan tâm của các đại biểu là nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công. Dự thảo Luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Tuy nhiên, qua thẩm tra Dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công. Việc sửa đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 07/NQ-TW và phù hợp với thông lệ quốc tế. Không đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, nên giữ nguyên chức năng nhiệm vụ về quản lý nợ công như hiện nay để tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Trước những ý kiến trái chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại, đánh giá tác động và giải trình rõ hơn các nội dung sửa đổi, nhất là các vấn đề liên quan đến phạm vi nợ công, thống nhất quản lý nhà nước về nợ công… làm sao phải đảm bảo tính cụ thể, khả thi của Dự án Luật.

MAI NGỌC
Cùng chuyên mục
Sửa Luật Quản lý nợ công: Đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới