Sửa quy định về phân loại tài sản có trong hoạt động ngân hàng

(BKTO) - Dự thảo Thông tư quy định về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ làm rõ hơn nguyên tắc phân loại của một số nghiệp vụ cấp tín dụng, bổ sung quy định về mua, bán nợ...

tai-san-ngan-hang(1).jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Làm rõ hơn nguyên tắc phân loại của một số nghiệp vụ cấp tín dụng

Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở: kế thừa các nội dung tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2011 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg (Thông tư 11); sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế một số nội dung tại Thông tư 11 cho phù hợp với các quy định tại Luật các TCTD 2024.

Dự thảo Thông tư chỉnh sửa một số nội dung để làm rõ hơn về nguyên tắc phân loại của một số nghiệp vụ cấp tín dụng, phù hợp với định hướng khi xây dựng Thông tư 11 cũng như bản chất nghiệp vụ và sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tiễn cũng như kết quả tổng kết tình hình thực hiện Thông tư 11 của các đơn vị.

NHNN cho biết, Luật Các TCTD năm 2024 giao Thống đốc NHNN quy định việc phân loại tài sản có (khoản 2 Điều 147). Theo đó, Dự thảo Thông tư không quy định về mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg.

Bổ sung quy định về mua, bán nợ

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm k khoản 1 Điều 1 về nợ phát sinh từ hoạt động mua, bán nợ. Điểm k khoản 1 Điều 1 Thông tư 11 quy định: “k) Mua, bán nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua, bán nợ;”, theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện, có đơn vị hiểu rằng quy định này bao gồm hoạt động mua, bán nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) theo quy định tại Thông tư 19.

Đối với hoạt động TCTD bán nợ xấu cho VAMC: Mục tiêu khi xây dựng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 1 Thông tư 11 nhằm tránh việc TCTD lách quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 11 bằng cách bán trả chậm khoản nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác để chuyển khoản nợ thành khoản phải thu (thời hạn trả nợ theo hợp đồng mua bán nợ được kéo dài so với thời hạn của khoản nợ theo hợp đồng tín dụng), không bao gồm hoạt động mua, bán nợ xấu giữa TCTD và VAMC.

Khoản 7 Điều 50 Thông tư 19 đã có quy định về phân loại nợ đối với việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường hoặc mua lại khoản nợ xấu được bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt thì TCTD có trách nhiệm phân loại số tiền mua nợ vào nhóm có mức độ rủi ro không thấp hơn nhóm mà khoản nợ đã được phân loại trước khi bán cho VAMC.

Do vậy, để đảm bảo rõ ràng hơn, phù hợp với mục tiêu xây dựng nêu trên và thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan, NHNN đã chỉnh sửa điểm k khoản 1 Điều 1 Dự thảo Thông tư: Mua, bán nợ theo quy định của NHNN về hoạt động mua, bán nợ, trừ hoạt động mua, bán nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam. 

Đảm bảo rõ ràng phạm vi phân loại tài sản có

Khoản 2 Dự thảo Thông tư bổ sung cụm từ “thư tín dụng”. Lý do, thư tín dụng là một hình thức cấp tín dụng theo quy định tại khoản 36 Điều 4 Luật các TCTD. Đồng thời, kể từ khi phát hành thư tín dụng đến thời điểm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thanh toán thì “Thư tín dụng” tồn tại dưới hình thức cam kết ngoại bảng có phát sinh rủi ro tín dụng. Do vậy, cần theo dõi và quản lý theo quy định tại Dự thảo Thông tư.

Trên cơ sở tại quy định khoản 2 Điều 131 Luật các TCTD 2010, Thông tư 11 đã quy định phân loại tài sản có là việc phân loại đối với các khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán, đối với các khoản nợ đã sử dụng dự phòng thì theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán.

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 147 Luật các TCTD 2024: Phạm vi quy định của Dự thảo Thông tư là phân loại tài sản có; phạm vi của Dự thảo Nghị định của Chính phủ là mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro (Nghị định về trích lập dự phòng rủi ro). Việc hạch toán ngoại bảng phần dư nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và việc quản lý, theo dõi đối với nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro được quy định tại dự thảo Nghị định.

Do vậy, để đảm bảo rõ ràng trong phạm vi phân loại tài sản có tại Dự thảo Thông tư và kế thừa tinh thần của Thông tư 11 nêu trên, Dự thảo Thông tư bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 1 DTTT: 3.Đối với các khoản nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp TCTD phân bổ lãi phải thu phải thoái (sau đây gọi là Nghị định về trích lập dự phòng rủi ro), TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện quản lý, theo dõi theo quy định tại Điều… Nghị định về trích lập dự phòng rủi ro, không phân loại nợ theo quy định tại Thông tư này...

Cùng chuyên mục
Sửa quy định về phân loại tài sản có trong hoạt động ngân hàng