Ngân hàng tăng vốn để thực hiện nhiều mục tiêu

(BKTO) - Năm 2024 có tới 23 nhà băng dự kiến tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn tại Đại hội đồng cổ đông năm nay.

vnd.jpg
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn. Ảnh minh họa

Dồn dập thông qua kế hoạch tăng vốn

Trong tháng 3 và tháng 4/2024, hàng loạt ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Cũng tại đại hội này, các kế hoạch tăng vốn đã được thông qua, hứa hẹn một bức tranh quy mô mới của ngành ngân hàng.

Trong Tờ trình được cổ đông thông qua năm nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua kế hoạch phát hành tối đa 30 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Cùng với đó, Ngân hàng này cũng có phương án phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu quốc tế để huy động vốn bổ sung trên thị trường quốc tế. Trước đó, vào cuối năm 2023, VPBank là ngân hàng giữ kỷ lục về vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống với 79.339 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã thông qua kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ lên hơn 70.450 tỷ đồng trong năm 2024. Với mức vốn này, bộ đệm an toàn của Ngân hàng được xác lập ở mức tiệm cận với nhiều ngân hàng lớn trong khu vực.

Nhóm thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức trên 70.000 tỷ đồng còn gồm 3 ngân hàng có vốn nhà nước. Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng.

Với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), nếu sử dụng lợi nhuận còn lại năm 2023 và số tiền năm 2022 được giữ lại theo kế hoạch để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng chưa được triển khai, VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ đang ở mức 53.700 tỷ đồng lên 79.148 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng dự kiến tăng vốn điều lệ hiện tại là 57.004 tỷ đồng lên 70.624 tỷ đồng. Phương án tăng vốn của BIDV là sẽ dùng 11.970 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 21%) và phát hành thêm gần 165 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán riêng lẻ trong năm 2024 - 2025.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng dự kiến tăng vốn khá cao. Điển hình như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) tăng hơn 9.500 tỷ đồng lên 61.600 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng 5.800 tỷ đồng lên 44.666 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) tăng 8.000 tỷ đồng lên hơn 33.500 tỷ đồng.

Dự kiến, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) tăng 6.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng 6.200 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên hơn gấp đôi - ở mức 11.800 tỷ đồng. Với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), kế hoạch nâng vốn điều lệ năm nay sẽ là tăng 12% lên 40.658 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2024 từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.618 tỷ đồng.

Để tăng vốn, các ngân hàng đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu mới, thu hút vốn ngoại… Các chuyên gia nhận định, nếu hoàn thành kế hoạch tăng vốn đặt ra cho năm 2024, quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ có sự thay đổi đáng kể, với 3 nhóm: Nhóm có vốn điều lệ trên 70.000 tỷ đồng, nhóm 30.000 -50.000 tỷ đồng và nhóm dưới 30.000 tỷ đồng.

Năm 2023, theo báo cáo tài chính, có 21 ngân hàng thương mại tăng được vốn điều lệ với tổng mức tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng lớn nhất thuộc về VPBank, với hơn 11.900 tỷ đồng.

Tăng vốn là yêu cầu cần thiết

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện tốt trong những năm gần đây khi từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai.

Tuy nhiên, VNDirect cũng lưu ý, bộ đệm vốn của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ CAR trung bình của Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực là một trong những thách thức. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là cần thiết đối với các nhà băng. Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các tổ chức tín dụng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 01/2024, hệ số CAR của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,84%, trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 9,72%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%...

Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất giảm, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi, huy động vốn của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn.

Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chưa đáp ứng theo quy định tại một số ngân hàng. Theo dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ này đến cuối năm 2023 của toàn hệ thống là 27,74%, dưới ngưỡng quy định tối đa là 30%.

Tuy nhiên, nếu như ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chưa đến 23% thì nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lên đến gần 39,9%, vượt mốc quy định. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn trung và dài hạn bền vững, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô kinh doanh, cụ thể là mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung nguồn vốn cũng là phương án, điều kiện cần thiết để các ngân hàng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch phát triển mạng lưới giao dịch, đầu tư cho các hệ thống công nghệ, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cũng như các chỉ tiêu cổ đông giao; đặc biệt là các mục tiêu chung của hệ thống và nền kinh tế./.

Cùng chuyên mục
Ngân hàng tăng vốn để thực hiện nhiều mục tiêu