Tái cơ cấu nền kinh tế cần tạo sức bật cho doanh nghiệp phát triển

(BKTO) - Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần kế thừa thành tựu của giai đoạn trước và có giải pháp phù hợp, hiệu quả để tạo sức bật cho doanh nghiệp phát triển, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu có khoảng 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025.



Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đưara Diễn đàn “Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 14/12, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
                
   

Quang cảnh Diễnđàn từ điểm cầu trụ sở VCCI.Ảnh: DIỆU THIỆN

   

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp; trong đó, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ về mặt thể chế là quan trọng nhất” - ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc cơ cấu lại nền kinh tế.

Cụ thể là, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển; gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các ngành kinh tế gắn với hội nhập kinh tế quốc tế...

Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, theo ông Phòng, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế.

Chẳng hạn như, mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm; tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử… có tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu khá cao và phụ thuộc không nhỏ vào một số thị trường.

Đặc biệt, khu vực tư nhân trong nước phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực doanh nghiệp FDI chưa giảm.

Mặt khác, một số quy định pháp luật hiện hành còn có những vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, việc cải cách thể chế kinh tế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.

“Thực trạng trên cùng với những tác động bởi đại dịch Covid-19 và xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh… đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam cần được tái cơ cấu để thích ứng, phát triển trong bối cảnh mới” - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Đồng quan điểm trên, từ góc độ cơ quan tham mưu chính sách, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thời gian tới, Việt Nam cần dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.

Bên cạnh đó cần ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo sự đột phá và lan tỏa rộng sang các lĩnh vực khác. Mặt khác, cần tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025./.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Tái cơ cấu nền kinh tế cần tạo sức bật cho doanh nghiệp phát triển