Tài nguyên số công - đối tượng kiểm toán quan trọng trong thời cách mạng công nghệ

(BKTO) - Trong khuôn khổ Hội thảo “Về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015”, TS. Lê Anh Vũ - Trưởng phòng Kiểm toán Công nghệ thông tin, KTNN chuyên ngành VII - đã có bài tham luận bàn về những thách thức của kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT) gắn với Chính phủ điện tử và tài nguyên số công. Đây là vấn đề thực sự quan trọng, mang tính cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang bùng nổ như hiện nay.



Tài nguyên số công chính là đối tượng kiểm toán

Theo TS. Lê Anh Vũ, tài nguyên số công - bao gồm hệ thống CNTT và thông tin, dữ liệu về tài chính công, tài sản công hoặc hình thành từ nguồn đầu tư tài chính công. Đây được coi là thành phần cốt lõi để xây dựng nên Chính phủ điện tử phục vụ cho các đơn vị nhà nước cũng như cộng đồng.

Tài nguyên số công thuộc sở hữu của Nhà nước, việc sử dụng tài nguyên số công được quy định rõ trong các văn bản pháp luật về vấn đề sử dụng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia. Một số địa phương, Bộ, ngành đã đưa ra quy định về việc thu phí đối với các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng tài nguyên số công. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu phí thông tin DN; TP. Hà Nội thu phí thông tin dân cư trên địa bàn; một số địa phương thu phí việc cung cấp thông tin liên quan đến đất đai do mình quản lý…

Trong thời đại CMCN 4.0, hệ thống thông tin, dữ liệu gắn với các nghiệp vụ độc quyền của tổ chức được xem là tài sản vô giá. Ví dụ: tài sản lớn nhất của hãng Google, Facebook chính là hệ thống dữ liệu và thông tin khổng lồ về hành vi người dùng. Hiện tại, giữa các chính phủ và các công ty công nghệ cũng đang có sự tranh chấp về việc sở hữu dữ liệu liên quan đến người dùng, địa danh của một quốc gia trên không gian mạng.

Một số tài nguyên số công tiêu biểu đã được đưa vào sử dụng trên toàn quốc, quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là: cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư quốc gia với thông tin chi tiết của các dự án đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng vận hành từ năm 2017; Hệ thống kế toán NSNN TABMIS chứa toàn bộ thông tin từ khâu lập dự toán, thực hiện và quyết toán do Bộ Tài chính quản lý vận hành từ năm 2014; Hệ thống CNTT liên quan đến việc quản lý thu ngân sách tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan vận hành từ năm 2014; Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hoá ngân hàng (FSMIMS) của Ngân hàng Nhà nước vận hành từ năm 2018;…
Trong thời đại CMCN 4.0, tài nguyên số công chính là đối tượng chủ yếu cho các cuộc kiểm toán CNTT của KTNN. Đơn vị được kiểm toán là các thành phần tham gia Chính phủ điện tử. Kết quả kiểm toán trực tiếp là sự đảm bảo hoặc nhận diện các vi phạm nguyên tắc về tính pháp lý, tính hữu hiệu, tính kinh tế và tính hiệu quả của việc quản lý và sử dụng tài nguyên số công. Kết quả gián tiếp là việc hình thành các tài nguyên số tại KTNN và phương pháp kiểm toán trong môi trường CNTT.

Các cuộc kiểm toán CNTT của KTNN cần thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, như: Xây dựng cơ chế, chính sách và các định hướng chiến lược làm nền tảng pháp lý cho việc triển khai các hoạt động kiểm toán trong thời đại số, trong đó tập trung làm rõ khái niệm tài nguyên số công; Kiểm toán các dự án cũng như hệ thống CNTT được đánh giá có rủi ro và trọng yếu cao, thuộc quyền hạn kiểm toán, nhằm đảm bảo cho việc đầu tư phát triển lĩnh vực CNTT của Nhà nước tại các đơn vị được chính xác, kinh tế, hiệu quả, tuân thủ theo các quy định pháp luật;
Thông qua việc kiểm toán, thu thập các thông tin về: hệ thống tài nguyên số công; đầu mối kiểm toán; phần mềm và dữ liệu quan trọng tạo nền tảng cho việc xây dựng tài nguyên số của KTNN; Tiếp cận, khai thác và phân tích dữ liệu của tài nguyên số công, phục vụ cho việc xây dựng và cung cấp dữ liệu cho tài nguyên số của KTNN…

Kiểm toán tài nguyên số công cần được quy định rõ trong Luật Kiểm toán nhà nước

TS. Lê Anh Vũ cho biết: Hiện nay, khái niệm tài nguyên số công vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng, chưa được phân loại và cũng chưa được coi là đối tượng kiểm toán trong các văn bản quy phạm pháp luật. Việc thiếu khung pháp lý gắn với tài nguyên số công đã dẫn đến sự thiếu vắng của hệ thống quy định, hướng dẫn kiểm toán, hồ sơ biểu mẫu liên quan đến đối tượng này. Công tác kiểm toán tại KTNN vẫn phải gắn chặt với hệ thống giao dịch được ghi nhận bởi hồ sơ giấy. Trong khi đó, Chính phủ điện tử ngày càng ứng dụng các giao dịch điện tử như: hóa đơn điện tử, dịch vụ công cấp độ 3 và 4, chữ ký số, thanh toán điện tử, sắp áp dụng công nghệ block-chain (chuỗi khối) vào các giao dịch điện tử. Điều này khiến quá trình kiểm toán đối tượng trên gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, chất lượng hoạt động kiểm toán cơ bản phụ thuộc vào việc xác định rủi ro trọng yếu. Công tác lập kế hoạch kiểm toán tài sản công và tài chính công phụ thuộc lớn vào chất lượng thông tin thu thập được về các đối tượng kiểm toán. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, KTNN vẫn chưa có tài nguyên số có cơ chế đồng bộ với hệ thống thông tin và CSDL quốc gia phục vụ công tác lập kế hoạch. Thay vì chỉ cần lấy dữ liệu, thông tin định kỳ một lần cho toàn quốc, các đoàn kiểm toán đang phải lấy rời rạc nhiều lần khác nhau, gây mất thời gian, tốn công sức, lãng phí tài nguyên.

Hiện tại, hầu hết các đơn vị đều không cung cấp kịp thời các dữ liệu và thông tin từ tài nguyên số, mặc dù các tài nguyên số trên đã sẵn có phục vụ cho công tác quản lý và thực hiện thao tác nghiệp vụ của đơn vị. Một số đơn vị còn viện dẫn lý do thông tin, dữ liệu mật để cố tình trì hoãn việc cung cấp thông tin.

Để khắc phục những vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý, TS. Lê Anh Vũ kiến nghị:Luật KTNN sửa đổi cần bổ sung khái niệm tài nguyên số công vào mục tài sản công tại Điều 3, đó là: Tài nguyên số công là hệ thống CNTT và thông tin, dữ liệu về tài chính công, tài sản công hoặc hình thành từ nguồn đầu tư tài chính công. Tài nguyên số công là tài sản công.

Luật cần làm rõ nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán tại Điều 57, liên quan đến việc cung cấp thông tin, dữ liệu gốc từ hệ thống CNTT, cụ thể là: Đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và kịp thời các tài liệu mô tả, hướng dẫn sử dụng hệ thống CNTT và thông tin, dữ liệu gốc từ hệ thống CNTT liên quan đến nội dung kiểm toán.

Trong trường hợp thông tin và tài liệu cung cấp cho KTNN có thể cung cấp từ hệ thống CNTT thì phải cung cấp dưới dạng số và chịu sự giám sát của kiểm toán viên nhà nước nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, Luật cũng cần bổ sung điều mới về việc cung cấp dữ liệu, thông tin định kỳ từ hệ thống thông tin và CSDL quốc gia, như: đầu tư công, đăng ký DN, TABMIS, TMS, VNACCS/VCIS, thống kê và kiểm kê đất đai, hệ thống giấy phép…;
Tại Điều 61, Luật cần bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong 2 việc:Một là, xây dựng tài nguyên số tại KTNN.

Hai là, có cơ chế đồng bộ thông tin với Chính phủ điện tử về tình hình sử dụng và việc quản lý tài nguyên số công thông qua các phương thức: thu thập định kỳ bằng hình thức off-line (gặp mặt trao tay); thu thập định kỳ thông qua trực tuyến; thu thập trực tuyến thông qua tài khoản thiết kế riêng cho KTNN.

NHỊ NGUYÊN (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 18-4-2019
Cùng chuyên mục
Tài nguyên số công - đối tượng kiểm toán quan trọng trong thời cách mạng công nghệ