Tuyên bố Hà Nội và dấu ấn nước chủ nhà
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch APPF-26 đã nhấn mạnh 3 thành công lớn của Hội nghị lần này. Đó là, Hội nghị đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nghị viện các nước thành viên, thể hiện qua sự tham dự của 22 đoàn đại biểu nghị viện các nước với hơn 350 đại biểu và khách mời quốc tế. Hội nghị cũng đã nhất trí sửa đổi Quy chế APPF, đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ trở thành một cơ chế chính thức tại các Hội nghị thường niên của APPF.
Đặc biệt, với sự đồng thuận cao của các nghị viện thành viên, Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” do nước chủ nhà Việt Nam đề xuất đã được thông qua tại Hội nghị. Việc thông qua bản Tuyên bố Hà Nội là thành công mang tính dấu ấn của Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị thông qua các Nghị quyết và Tuyên bố chung. Ảnh: TTXVN
Kế thừa các bản Tuyên bố trước đó của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy mạnh hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực.
Tuyên bố cũng đánh giá về một thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và thống nhất APPF đang ở thời điểm cần có cải cách để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đối thoại của các thành viên trong khu vực cũng như tăng cường đóng góp của APPF vào các lĩnh vực đa phương khu vực và quốc tế.
Từ sự thống nhất như vậy, Tuyên bố nêu bật các định hướng cho quan hệ đối tác nghị viện khu vực với sự khẳng định hoà bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng duy trì tự do hàng hải an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, kinh tế đối thoại và hành động chung ứng phó với an ninh phi truyền thống; phòng ngừa, chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan; tăng cường hợp tác quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hợp tác giảm thiểu rủi ro.
Lần thứ 2 đăng cai tổ chức tổ chức diễn đàn của APPF, công tác tổ chức Hội nghị APPF-26 của nước chủ nhà Việt Nam đã gây ấn tượng tốt đẹp với các vị khách quốc tế. Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đánh giá cao sự tham gia đóng góp tích cực của nước chủ nhà, góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị APPF-26.
Biến lời nói thành hành động
Cùng với những kết quả đã đạt được của những Hội nghị trước, APPF-26 là bước tiến tiếp theo quan trọng trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của Diễn đàn đã được đề ra trong Tuyên bố Vancouver và Tuyên bố New Tokyo.
Bà Yoshiko Kira - Thượng Nghị sỹ Nhật Bản đánh giá, với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, APPF-26 đã khởi tạo một không khí cởi mở và bình đẳng để cùng thảo luận về tương lai chung của APPF; đưa ra những sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả thực chất, vai trò của APPF trong quá trình hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Cùng với Tuyên bố Hà Nội, Hội nghị APPF-26 cũng khép lại với việc thông qua 14 Nghị quyết và ra Thông cáo chung với sự đồng thuận cao của các đại biểu. Đó là kết quả thể hiện sự nỗ lực, sự hợp tác của tất cả các nước thành viên tham gia APPF. Các đại biểu hy vọng APPF-26 sẽ đem lại kết quả, bài học tốt. Những kinh nghiệm thành công này đáp ứng mong mỏi của các nghị sỹ, đẩy mạnh sự kết nối khu vực, đặc biệt qua kênh ngoại giao nghị viện.
Với sự đồng thuận đó, các đại biểu cũng nhất trí sự cần thiết phải “biến lời nói thành hành động”, kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển trong việc chung tay thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bên cạnh việc ra Tuyên bố Hà Nội, điều quan trọng là các nước thành viên sẽ có kế hoạch triển khai Tuyên bố này, đặc biệt là 14 Nghị quyết đã được thông qua nhằm biến lời nói thành hành động. Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét, phê chuẩn những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo nội luật hóa các cam kết quốc tế, đồng thời thực hiện đúng tinh thần, nội dung các Nghị quyết và Tuyên bố Hà Nội đã đạt được, thể hiện tinh thần tích cực, trách nhiệm của quốc gia thành viên.
N.HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 25-01-2018