Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp

(BKTO) - Năm 2018, ngành Nội chính tham mưu chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; kết thúc xét xử phúc thẩm 4 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 25 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và chọn một số vụ án điển hình để rút kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới.




Hình ảnh tại Hội nghị. ảnh: HIỀN HÒA

Sáng 18/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018. Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) chủ trì Hội nghị.

Báo cáo về những kết quả nổi bật trong năm 2017, đồng chí Võ Văn Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong năm qua, Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác đề ra. Ban Nội chính Trung ương đã xây dựng 80 báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo để tham mưu, đề xuất các vấn đề về nội chính và PCTN. Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tham mưu cho cấp ủy xây dựng, ban hành 1.513 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch, chương trình hành động; tổ chức sơ kết, tổng kết một số quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính và PCTN, giúp cho các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nội chính và PCTN được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham mưu, đề xuất chủ trương, định hướng xử lý các vụ việc, vụ án theo quy định. Năm 2017, đã chủ động tham mưu, đề xuất đưa thêm 333 vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; tích cực tham mưu, đề xuất cấp ủy cho chủ trương, định hướng chỉ đạo xử lý dứt điểm 229 vụ việc, vụ án thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, 114/168 vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương giao.

Đồng chí Võ Văn Dũng nhấn mạnh, điểm nổi bật là, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng Trung ương tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử 43 vụ án, 21 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo triển khai 08 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế tại 20 địa phương, kết quả đã đưa ra 55 nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 157 vụ việc, vụ án…
Đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: HIỀN HÒA

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả ngành Nội chính đạt được trong năm 2017 và khẳng định những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN năm 2017 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Nhất trí với phần phân tích, đánh giá những mặt còn hạn chế nêu ra trong báo cáo cũng như của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; cả nước đang vào cuộc với khí thế mới, quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN. Đồng chí yêu cầu ngành Nội chính cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, bảo đảm sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng đối với công tác nội chính và PCTN; nắm chắc tình hình, đề xuất với Đảng hoàn thiện thể chế PCTN, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng về nội chính và PCTN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; sửa đổi, bổ sung Luật PCTN, Luật Tố cáo…Khẩn trương hoàn thiện các đề án về công tác nội chính và PCTN trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và các tỉnh ủy, thành uỷ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm; các giải pháp xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt” trong xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng yêu cầu tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN tại các địa phương; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp để thất thoát, thua lỗ kéo dài dư luận xã hội quan tâm, những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Chú ý chọn một số vụ án điển hình để rút kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới.

Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu Ban Nội chính Trung ương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp. Chuẩn bị tốt nội dung Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN được tổ chức trong năm 2018. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các cơ quan có liên quan, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, Thanh tra Chính phủ chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phối hợp tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy địa phương chỉ đạo xử lý có hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, những vụ việc liên quan đến tôn giáo. Ban Nội chính Trung ương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; tổ chức tốt việc tiếp nhận Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, sớm ổn định về tổ chức, hoạt động có hiệu quả.

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng đề nghị, ngay sau Hội nghị này, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Hội nghị xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Ảnh: HIỀN HÒA

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, năm 2018, ngành Nội chính xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và PCTN. Tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; đưa công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vào chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trở thành nền nếp, thường xuyên, hằng năm.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát kết quả các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và Kiểm toán Nhà nước để phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Ban Nội chính Trung ương sẽ kiểm tra, rà soát kết quả thanh tra, kiểm toán một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT.

Đồng chí Phan Đình Trạc cho rằng, để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, toàn ngành cần sâu sát, cụ thể, kiên trì, quyết liệt, kịp thời hơn nữa trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, các vụ án có dấu hiệu oan, sai; đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. “Trong năm nay, Ban Nội chính Trung ương tập trung tham mưu chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; kết thúc xét xử phúc thẩm 4 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 25 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.” – đồng chí Phan Đình Trạc cho biết.

Đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị mỗi Ban Nội chính trong năm nay tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm 2-3 vụ việc về “tham nhũng vặt” và công khai trên báo chí để răn đe, cảnh tỉnh chung.

Theo HIỀN HÒA
http://www.dangcongsan.vn
Cùng chuyên mục
  • Tập trung xây dựng Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước “trong sạch, vững mạnh”
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đó là 1 trong 2 nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ KTNN đặt ra tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra vào ngày 15/01, tại Hà Nội. Dự Hội nghị về phía khách mời có đồng chí Phạm Quang Thao - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; về phía KTNN có đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự (BCS), Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí trong BCS đảng, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
  • Khai mạc Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 18/01, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
  • Lễ khai mạc APPF-26 sẽ diễn ra vào ngày 18/1
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều nay (17/1), tại buổi họp báo thông tin về nội dung, chương trình nghị sự của Hội nghị thường niên lần thứ 26, Diễn đàn liên Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26), đại diện Ban Tổ chức cho biết, nước chủ nhà Việt Nam đã hoàn tất công tác chuẩn bị, đảm bảo sẵn sàng cho Hội nghị này.
  • Kiến nghị nhiều giải pháp “quản” các dự án BOT giao thông
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Qua kiểm toán 27 dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) những năm qua, KTNN đã phát hiện và chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án; lựa chọn nhà đầu tư; lựa chọn nhà thầu; đền bù giải phóng mặt bằng; quản lý chất lượng công trình, chi phí đầu tư, quản lý tiến độ, thanh quyết toán... Trên cơ sở đó, KTNN đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng đối với các cơ quan chức năng.
  • Đầu tư công sẽ được cơ cấu  lại bằng nhiều giải pháp
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Khung pháp luật chưa hoàn thiện, cơ cấu không hợp lý, vốn đầu tư cho khu vực nhà nước còn chiếm tỷ lệ cao, tiến độ giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư… Theo các nhà quản lý và giới chuyên gia, đó là những căn bệnh mà đầu tư công của nước ta đang mắc phải. Bởi vậy, Nhà nước cần có sự điều chỉnh chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp thì lĩnh vực này mới thật sự phát huy hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp