Tản mạn về kinh tế năm 2017



Rất ấn tượng là cảm nhận chung về các thành tựu kinh tế của năm 2017. Lần đầu tiên sau nhiều năm, GDP đạt ở mức cao là 6,81%. Nông nghiệp đã có bước phục hồi mãnh mẽ sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2016. Tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,94% trong năm 2017 này.

Những thành tựu này là khá bất ngờ so với cảm nhận chung về nền kinh tế. Thì ra, cảm nhận về một nền kinh tế bằng các giác quan của con người là không mấy chính xác. Các giác quan có thể nói một đường, mà các số liệu thống kê lại nói một nẻo. Tin các giác quan hay tin các số liệu thống kê? Có lẽ, những người trong năm 2017 làm ăn khó khăn sẽ tin vào giác quan nhiều hơn. Nhưng những người làm ăn khấm khá lại sẽ tin vào các số liệu thống kê nhiều hơn.

         
   
   
TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
   
Tuy nhiên, để hoạch định chính sách của một quốc gia, thì phải căn cứ vào các số liệu thống kê, chứ không phải vào các giác quan. Vấn đề là chúng ta cũng phải bảo đảm rằng các số liệu thống kê nói trên là chính xác. Và quan trọng không kém là phải lý giải được tại sao kinh tế lại đạt được mức tăng trưởng cao như vậy.

Trước hết, đạt được mức tăng trưởng cao là nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành nhanh nhạy, sát sao. Đây quả thực là nguyên nhân không nói ra thì thiếu, nhưng nói ra thì lại thừa. Bởi vì rằng nguyên nhân này không nói ra thì ai cũng biết. Hơn thế nữa, nó còn được phân tích rất sâu sắc và toàn diện trong rất nhiều các báo cáo được đăng tải công khai trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Nói cho thật nhiều về nguyên nhân này, không khéo vẫn chỉ bị đánh giá là “ăn theo, nói leo” mà thôi.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định đã tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp, mọi người dân tính toán, làm ăn dễ dàng. Cứ nghĩ mà xem, nếu bạn kiếm được 10 đồng, mà lạm phát làm mất giá đến 20 đồng, thì tính toán làm ăn cách gì cho nổi?! Ở đây, vì sự công bằng, công lao trong việc ổn định kinh tế vĩ mô cần được chia đều cho Chính phủ của cả hai nhiệm kỳ: cho Chính phủ đương nhiệm và cho cả Chính phủ tiền nhiệm.

Thứ ba, môi trường kinh doanh được cải thiện đã khiến cho việc làm ăn trở nên dễ dàng hơn, sức hấp dẫn đối với đầu tư cũng lớn hơn. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Worldbank, Việt Nam xếp hạng thứ 68 với 67,93 trên thang điểm 100. Như vậy, so với bảng xếp hạng năm ngoái, Việt Nam đã tăng 14 bậc từ thứ hạng thứ 82. Ở đây, cũng vì sự công bằng, công lao trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được chia một phần cho Chính phủ tiền nhiệm. Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh đã được Chính phủ tiền nhiệm thúc đẩy mạnh mẽ. Và những kết quả bước đầu cũng đã được ghi nhận. Chính phủ đương nhiệm, tất nhiên, có công lớn hơn trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, khi hàng ngàn các loại thủ tục và điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ. Phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp đang ngày càng được khẳng định là phương châm hành động của chính quyền.

Thứ tư, tác động tích cực của chu kỳ phát triển kinh tế. Muốn hay không muốn, kinh tế phát triển theo chu kỳ. Ở chu kỳ kinh tế đi lên, mọi việc sẽ rất hanh thông, dễ dàng. Ở chu kỳ kinh tế đi xuống, mọi việc sẽ phức tạp, khó khăn. Cản trở cũng không chịu xuống, kích thích cũng chẳng chịu lên là chuyện của không chỉ chu kỳ sinh học, mà cả của chu kỳ kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn đi lên của chu kỳ kinh tế. Vấn đề chỉ là nó đi lên rồi thì nó lại đi xuống. Quan trọng là phải chuẩn bị sẵn sàng cho chu kỳ đi xuống của nó ngay từ bây giờ. Theo một vài dự đoán, thì chu kỳ kinh tế đi xuống có thể sẽ bắt đầu từ năm 2019.

Diễn đàn Kinh tế
Thứ năm, sự dịch chuyển của dòng đầu tư. Trung Quốc đã từ bỏ vai trò làm công xưởng của thế giới. Vai trò này có vẻ như đang được chuyển giao cho Việt Nam. Khi cơ hội đầu tư để khai thác nguồn nhân công giá rẻ ở Trung Quốc đã bắt đầu cạn kiệt, thì các nhà đầu tư của nước ngoài, đặc biệt là của Nhật Bản đang hướng tầm nhìn vào Việt Nam. Đây cũng là lý do giải thích tại sao nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017 tăng cao chưa từng có.

Theo một tổng giám đốc người Nhật Bản, thì giá nhân công của Việt nam đang rẻ hơn của Trung Quốc tối thiểu là 45% và đang rẻ hơn của Philippines là 25%. Xu thế này sẽ còn tiếp tục ít nhất là trong 10 năm tới. Làm công xưởng của thế giới khi chúng ta đang dư thừa lao động phổ thông không có gì là bất hợp lý cả. Vấn đề chỉ là sau khi lợi thế về lao động giá rẻ không còn, thì dòng vốn đầu tư của nước ngoài có thể sẽ đội nón ra đi.

Lúc đó chúng ta có làm được như Trung Quốc hay không? Có chuyển đổi nền kinh tế gia công, lắp ráp thành nền kinh tế sáng tạo được hay không? Những câu hỏi này thực tế đang bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, không trả lời ngay từ ngày hôm nay, thì cũng không thể làm chủ được tương lai sau 10 năm nữa.

Cuối cùng, ngày xuân năm mới kéo dài lê thê nên là chuyện uống rượu, không nên là chuyện viết báo. Xin kết thúc bài viết ở đây với lời chúc và cũng là ước vọng rằng năm 2018 kinh tế sẽ phát triển không chỉ cao hơn, mà còn mang lại lợi ích công bằng hơn cho mọi con dân đất Việt!

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018
Cùng chuyên mục
Tản mạn về kinh tế năm 2017