Tăng chất lượng kiểm toán Chuyên đề Quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2018-2020 tại Bộ Y tế

(BKTO) - Thời gian qua, việc kiểm toán Chuyên đề Quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA tại Bộ Y tế do KTNN chuyên ngành III thực hiện đã góp phần tích cực vào quá trình công khai, minh bạch công tác quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán này vẫn còn những hạn chế, cần các giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới.




Nhóm nghiên cứu trình bày Đề tài tại buổi nghiệm thu
ThS. Chu Tùng Lâm và ThS. Nguyễn Hữu Giáp (KTNN chuyên ngành III) khẳng định nội dung trên tại buổi nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở: “Tổ chức kiểm toán Chuyên đề quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2018-2020 tại Bộ Y tế” vừa được Hội đồng khoa học của KTNN tổ chức.
Một số ghi nhận từ thực tiễn

Theo nhóm nghiên cứu, những năm qua, cùng với các cuộc kiểm toán thường niên, kiểm toán Chuyên đề quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA tại Bộ Y tế đã góp phần tạo dựng, duy trì và nuôi dưỡng niềm tin của xã hội, nhân dân về nền tài chính quốc gia lành mạnh, hệ thống nguồn lực công được quản lý, kiểm soát và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Kết quả kiểm toán đã cung cấp và đánh giá thông tin có giá trị, ý nghĩa trên cả giác độ pháp lý và kinh tế - xã hội, giúp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thảo luận, đánh giá, giám sát các chương trình mục tiêu trọng điểm, các vấn đề kinh tế - xã hội, từ đó điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp.

Bên cạnh đó, những kiến nghị xử lý tài chính và các kiến nghị khác đã góp phần cảnh báo, răn đe và hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng không hiệu quả nguồn lực công tại các đơn vị; chỉ ra những yếu kém, hạn chế của hệ thống quản lý, hướng khắc phục để không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA tại Bộ Y tế thời gian qua còn một số hạn chế, như: Đề cương kiểm toán Chuyên đề Quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2015-2017 còn mang tính tạm thời. Việc phân công cụ thể cho nhóm khảo sát lập kế hoạch kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn; kế hoạch kiểm toán còn hạn chế trong phản ánh các đặc thù riêng của đối tượng kiểm toán.

Cùng với đó, mặc dù số lượng các cuộc kiểm toán đã tăng nhưng nguồn nhân lực hạn chế nên chưa đi sâu đánh giá, giải đáp các vấn đề bức xúc trong dư luận về những biểu hiện tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nội dung kiểm toán hoạt động hạn chế. Kết quả kiểm toán phần nhiều vẫn là các phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính cũng như việc tuân thủ các quy định pháp luật. Việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được đề cập nhưng còn sơ sài, chưa có tính thuyết phục cao. Sự phối hợp giữa các đơn vị tham gia kiểm toán chưa thực sự chặt chẽ...
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Bám sát mục tiêu, trọng tâm kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA tại Bộ Y tế

Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân những hạn chế nêu trên là do những quy định ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị thực hiện kiểm toán chưa rõ ràng, cụ thể. Hệ thống tiêu chí kiểm toán hoạt động hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thiện. Thời gian khảo sát thu thập thông tin chưa đủ dài để lập đề cương kiểm toán. Sự phối hợp trong việc thực hiện kiểm toán nội dung lồng ghép chưa chặt chẽ.

Từ những hạn chế nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp tổ chức kiểm toán Chuyên đề Quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2018-2020 tại Bộ Y tế như sau:

Thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu về việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2018-2020 tại Bộ Y tế.

Bố trí nhân lực có trình độ, năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư, tài chính để thực hiện việc khảo sát, lập và hoàn thiện Đề cương kiểm toán Chuyên đề Quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2018-2020 tại Bộ Y tế. Đề cương phải bám sát mục tiêu, nội dung, trọng tâm, trọng yếu kiểm toán, đồng thời nêu rõ những đặc thù riêng của việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2018-2020 tại Bộ Y tế.

Xây dựng hệ thống tiêu chí đầy đủ để làm cơ sở đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực; thành lập riêng Đoàn kiểm toán Chuyên đề quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2018-2020 tại Bộ Y tế để tăng tính chuyên sâu.

Việc dự kiến nhân sự của Đoàn kiểm toán phải đảm bảo yêu cầu có đủ trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm công tác phù hợp.

Góp ý cho Đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao ý nghĩa quan trọng, thiết thực của việc lựa chọn nội dung nghiên cứu, đồng thời ghi nhận một số kết quả đạt được và thống nhất cho nghiệm thu Đề tài.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, để hoàn thiện hơn nữa Đề tài, nhóm nghiên cứu cần bổ sung, làm rõ hơn thực trạng tổ chức kiểm toán đối với Chuyên đề Quản lý, sử dụng vốn ODA của Bộ Y tế giai đoạn 2015-2017, phân tích sâu hơn nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất các giải pháp sát thực, cụ thể, phù hợp với kiểm toán việc quản lý sử dụng nguồn vốn ODA. Việc đưa ra những giải pháp riêng, gắn với đặc thù của cuộc kiểm toán là vấn đề mấu chốt để Đề tài hướng đến mục tiêu, ý nghĩa thiết thực là nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán Chuyên đề Quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA tại Bộ Y tế.

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Tăng chất lượng kiểm toán Chuyên đề Quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2018-2020 tại Bộ Y tế