Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho phụ nữ nghèo

(BKTO) - Nâng cao vai trò, năng lực của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong việc tham gia chủ động, có trách nhiệm trong triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Nghị định số 78/NĐ-CP liên quan đến tín dụng chính sách và Đề án của địa phương… góp phần tăng hiệu quả vốn vay giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.

ba-dao-mai-hoa-pho-truong-ban-kinh-te-hoi-lhpn-vn-phat-bieu-tham-luan.jpg
Bà Đào Mai Hoa - Phó ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hội LHPN Việt Nam

Đó là một trong sáu nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của Hội LHPN đề ra tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chi nhánh Ngân hàng Chính sách (NHCSXH) các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang giai đoạn 2021-2023 và đề ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025 mới đây.

Theo thông tin Hội nghị, trong 3 năm (2021- 2023), hoạt động tín dụng chính sách của Hội LHPN Việt Nam đã có hơn 186 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn sản xuất kinh doanh, gần 19 ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; tạo việc làm gần 128 nghìn lao động; 4,5 nghìn hộ gia đình mua máy vi tính, thiết bị học tập cho con em; xây dựng 349 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 1.545 căn nhà ở xã hội; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 2.112 hộ dân tộc.

Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các địa phương đã có những giải pháp phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ.

Để có nguồn lực dài hơi cho các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì thực hiện 2 Đề án của Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và “Hỗ trợ hợp tác xã do nữ làm chủ và tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ”.

Hội LHPN Việt Nam cũng đã ký Chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện Chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thúc đẩy giáo dục tài chính… góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn vay.

Bà Đào Mai Hoa - Phó ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam - cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024-2025, Hội LHPN 05 tỉnh Tây Nam Bộ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao vai trò, năng lực của Hội LHPN các cấp tham gia chủ động, có trách nhiệm trong triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Nghị định số 78/NĐ-CP liên quan đến tín dụng chính sách và Đề án của địa phương. Chú trọng các địa bàn vùng trũng, khó khăn.  

Tiếp tục đổi mới, sáng tạo các giải pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức hộ vay vốn về tín dụng chính sách, các qui định của ngân hàng và trách nhiệm của người vay.

Triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng cường hiểu biết của hộ vay vốn về quản lý vốn vay, quản lý tài chính, tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức và đẩy mạnh không sử dụng tiền mặt.

Đẩy mạnh lồng ghép trong các tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, Hợp tác xã do nữ làm chủ, tham gia quản lý từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các Đề án của Chính phủ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cán bộ Hội, khuyến khích thành viên ứng dụng công nghệ trong sử dụng các dịch vụ giao dịch với ngân hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác ủy thác, đặc biệt quan tâm đội ngũ tổ trưởng tổ TK&VV, phối hợp NHCSXH kiện toàn cán bộ tổ đảm bảo chất lượng, độ tuổi và khả năng ứng dụng công nghệ số. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát, tập trung địa bàn yếu kém, đảm bảo tiến độ, thực chất, không hình thức./.

Cùng chuyên mục
Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho phụ nữ nghèo