Tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Ngày 05/8, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong điều kiện Cách mạng 4.0”.



                
   

Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Diệu Thúy

   

Đề tài do ThS. Đoàn Huy Vinh và ThS. Nguyễn Tiến Phước (KTNN khu vực VIII) đồng chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Trình bày kết quả nghiên cứu, Ban Đề tài cho biết: Bí mật nhà nước (BMNN) được coi là “tài sản” đặc biệt do Nhà nước quản lý, nắm giữ, bảo vệ và khai thác hoặc chuyển giao để phục vụ cho hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước. BMNN có liên quan trực tiếp đến sự ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) gắn liền với sự phát triển của không gian mạng, sự kết nối và tương tác thông qua internet, các thế lực thù địch, tội phạm mạng gia tăng nhanh chóng nhằm thu thập thông tin, BMNN, chiếm quyền điều khiển để chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia. Chính vì vậy, công tác bảo vệ BMNN càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

KTNN với nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nên có sự kết nối và trao đổi thông tin thường xuyên với tất cả các cơ quan, tổ chức, trong đó bao gồm các cơ quan Đảng, cơ quan thuộc khối an ninh, quốc phòng. Vì vậy, hoạt động kiểm toán chứa đựng nhiều thông tin thuộc BMNN ở cả 3 cấp độ mật, tối mật, tuyệt mật, đồng thời luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin.
                
   

Quang cảng buổi nghiệm thu. Ảnh:Diệu Thúy

   

Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác bảo vệ BMNN đối với hoạt động của kiểm toán luôn được các lãnh đạo KTNN quan tâm, chỉ đạo và tuân thủ đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lộ, mất BMNN. Tuy nhiên, việc ứng dụng CMCN 4.0 đã làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kiểm toán, đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức đối với KTNN trong việc bảo vệ BMNN trên môi trường mạng.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã chỉ rõ các nhân tố ảnh hưởng đến công tác bảo vệ BMNN đối với hoạt động của KTNN, bao gồm: Chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ BMNN đối với hoạt động của KTNN; ý thức pháp luật của các chủ thể tham gia bảo vệ BMNN; trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác bảo vệ BMNN; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, kinh phí phục vụ công tác bảo vệ BMNN; hoạt động kiểm tra, giám sát phòng ngừa và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN trong hoạt động kiểm toán.

Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 đã đặt ra yêu cầu đối với công tác bảo vệ BMNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN trên các mặt: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường bảo vệ BMNN trong hoạt động kiểm toán; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính cho việc ứng dụng công nghệ và bảo vệ BMNN; tăng cường phòng ngừa lộ, lọt BMNN trong môi trường mạng.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị Ban Đề tài bổ sung một số giải pháp gắn liền với đặc điểm bảo vệ BMNN của KTNN trong điều kiện công nghệ thông tin. Ảnh: Diệu Thúy

   

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng Khoa học đã ghi nhận kết quả nghiên cứu của Ban Đề tài, nhất là những đánh giá về thực trạng quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ BMNN đối với hoạt động kiểm toán. Đây là cơ sở thực tiễn để đề ra định hướng, xây dựng giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong việc tăng cường bảo vệ BMNN đối với hoạt động kiểm toán.

Các đề xuất, kiến nghị của Ban Đề tài có giá trị tham khảo quan trọng cho việc xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể của KTNN trong công tác bảo vệ BMNN, đảm bảo phòng ngừa hậu quả khi xảy ra lộ, mất BMNN, nhất là trong tình hình soạn thảo, lưu trữ tài liệu mật trên máy tính hoặc thiết bị kết nối internet.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó cần lưu ý bổ sung thêm khái niệm về BMNN, bảo vệ BMNN trong hoạt động kiểm toán. Ban Đề tài cũng cần làm rõ mục “Nhận diện các nội dung, tài liệu thuộc danh mục BMNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN”, phân biệt giữa “đảm bảo an toàn thông tin” với “bảo vệ BMNN”.

Ngoài ra, Ban Đề tài cần đánh giá thêm về sự phối hợp giữa KTNN với các bộ, ban, ngành liên quan đến việc bảo vệ BMNN trong hoạt động kiểm toán, nhất là các đơn vị được kiểm toán; phân tích, đánh giá về việc áp dụng, thực hiện các biện pháp bảo vệ BMNN trong hoạt động kiểm toán trên phương diện thông tin của đơn vị được kiểm toán và thông tin, kết quả kiểm toán.

Trên cơ sở đó, các tác giả xem xét, bổ sung một số giải pháp gắn liền với đặc điểm bảo vệ BMNN trong điều kiện công nghệ thông tin như: Ban hành các văn bản quản lý, triển khai công tác bảo vệ BMNN; triển khai các giải pháp trong việc soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa thông tin BMNN trên môi trường điện tử; tăng cường công tác đào tạo về đảm bảo BMNN cho công chức, kiểm toán viên, đối tượng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm toán liên quan đến BMNN.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.
THÙY LÊ



Cùng chuyên mục
Tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động kiểm toán