Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học

(BKTO) - Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố danh sách các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài.



Theo danh sách, có 153 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và 10 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước; 7 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.
                
   

Các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được tăng cường kiểm định trong thời gian tới

   

Tổng số các chương trình đào tạo được đánh giá/công nhận là 404, bao gồm 192 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 212 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Số cơ sở đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá là 235 cơ sở giáo dục ĐH và 28 trường CĐ sư phạm. Số cơ sở được đánh giá ngoài là 162 trường ĐH, học viện và 10 trường CĐ sư phạm.

Theo Cục Quản lý chất lượng, kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo tăng dần trong những năm gần đây. Những kết quả này được cập nhật thường xuyên và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.

Từ năm 2013 đến nay, đã có 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập và cho phép hoạt động, gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TPHCM; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Vinh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

Các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này được Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với đối tượng là: các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm; các chương trình đào tạo giáo dục các trình độ của giáo dục ĐH, chương trình đào tạo trình độ CĐ sư phạm.

Cũng theo Cục Quản lý chất lượng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường sẽ tiếp tục được Bộ GD&ĐT yêu cầu đẩy mạnh thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Hiện nay, một trong những vấn đề được các cơ sở giáo dục ĐH đặc biệt quan tâm, đó là được tăng học phí để đáp ứng yêu cầu khi trường thực hiện tự chủ. Hiện nay, việc thu học phí của các trường được thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP về chính sách miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Hiện, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 86/2015/NĐ-CP sắp hết hiệu lực. Ngoài những quy định mới về mức học phí trần sẽ được áp dụng, dự thảo nghị định còn đặt ra yêu cầu đối với các trường, đó là mức tăng học phí của các trường sẽ phụ thuộc vào mức độ tự chủ của trường và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của các trường.

Cụ thể, đối với các trường chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần theo quy định. Các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2 đến 2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng. Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật.

Quy định này nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo; cũng như hướng đến việc tạo dựng chất lượng, uy tín của cơ sở giáo dục ĐH với người học, xã hội.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học