Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền miệng về chính sách bảo hiểm

(BKTO) - Cùng với các hình thức truyền thông khác, công tác tuyên truyền miệng về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được BHXH tỉnh Đắk Lắk thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc giúp người dân hiểu về chính sách, thấy được lợi ích để tích cực tham gia vào hệ thống an sinh.

can-bo-bhxh-toi-tung-thon-ban-tuyen-truyen-bhxh-tu-nguyen-bhyt-hgd-toi-nguoi-dan.jpg
Cán bộ BHXH tới từng thôn bản tuyên truyền về BHXH, BHYT hộ gia đình cho người dân. Ảnh: Nguồn BHXH

Công tác tuyên truyền miệng đóng vai trò quan trọng

Trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã từng bước đi vào thực tiễn cuộc sống; số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân.

Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai kịp thời, đúng quy định…

Xác định tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ người tham gia BHYT; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn mọi tầng lớp nhân dân tham gia BHYT thông qua nhiều hình thức, trong đó, hình thức tuyên truyền miệng đang đóng vai trò rất quan trọng.

Năm 2023, Đắk Lắk phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,5% dân số; số người tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 15,86%...

Trong giai đoạn 2022-2023, BHXH tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành và đoàn thể của các xã, phường, thị trấn tổ chức hơn 400 cuộc tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT cho hơn 20.000 người là cán bộ không chuyên trách cấp xã, hội viên các hội đoàn thể cấp xã, chủ doanh nghiệp, người lao động và người dân trên địa bàn.

BHXH tỉnh cũng phối hợp tổ chức trên 550 hội nghị, khai thác mới 4.500 người tham gia BHXH tự nguyện, biên tập hàng trăm tin, bài truyền thông chính sách BHXH, BHYT đăng tải trên các báo, đài địa phương và các bản tin của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Từ sự nỗ lực đó, tính đến nay, toàn tỉnh có 109.314 người tham gia BHXH bắt buộc; 17.453 người tham gia BHXH tự nguyện; 1.666.863 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 86,89% dân số của tỉnh.

Chú trọng đổi mới cách thức tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên tuyền miệng về BHXH, BHYT vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể chưa quan tâm thỏa đáng đến chính sách BHXH, BHYT; nội dung tuyên truyền và kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế nhất định…

Chính vì vậy, để người sử dụng lao động, người lao động, người dân tích cực tham gia BHXH, BHYT, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, trong đó lực lượng làm công tác tuyên giáo, BHXH là nòng cốt.

Chia sẻ thêm về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, bà Đỗ Thị Hằng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, Đắk Lắk là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 35,7% dân số. Giai đoạn 2021-2025, Đắk Lắk có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I; 519 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc điểm dân cư, cùng với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn là thách thức khiến cho việc thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia chính sách trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn.

“Trước tình hình này, BHXH tỉnh đã chú trọng đến việc tuyên truyền theo nhóm, đến từng bản làng, trong đó có những vùng sâu để tuyên truyền cho người dân” – bà Hằng cho biết.

Đối với ngành BHXH, nắm bắt đặc thù này, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương biên dịch, phiên dịch tin, bài, tờ gấp về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình sang tiếng dân tộc, góp phần giới thiệu, tuyên truyền về các chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách BHXH, BHYT đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Thông tin tại Hội thảo “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT”, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, từ thực tiễn hoạt động của mình, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở đã tích cực nắm bắt, phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến người lao động và chủ sử dụng lao động với cấp ủy, chính quyền. Qua đó, giúp thực hiện chính sách ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, người lao động.

dsc_7172.jpg
Cùng với công tác tuyên truyền, ngành BHXH cũng thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách cho người dân. Ảnh: N.Lộc

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) Văn Tiến Bằng đánh giá cao những kết quả của ngành Tuyên giáo, BHXH và lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên trong công tác tuyên truyền, triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT.

Đồng thời, ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu và sẽ tổng hợp, tham mưu Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng.

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo Văn Tiến Bằng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, các cấp chính quyền cần chú trọng đổi mới, đa dạng hóa nội dung và hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, từng nhóm người tham gia với nội dung tuyên truyền được cải tiến ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi, thiết thực./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền miệng về chính sách bảo hiểm