Miệt mài “cõng” chữ lên non

L.HÒA - P.TUÂN - H.THÀNH | 19/11/2023 09:00

(BKTO) - A Má, Suối Thín, Lũng Mú... những điểm trường xa xôi, gập ghềnh, cách trở. Vậy mà ở đó, có những thầy, cô đã nhiều năm miệt mài “cắm bản” gieo từng con chữ với hy vọng, mai này, cuộc sống của con em đồng bào dân tộc sẽ tươi sáng hơn...

1.jpg
Điểm trường A Má gồm 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) và 1 phòng ở bán trú. Ảnh: P. TUÂN

Nỗ lực duy trì sĩ số học sinh

Chúng tôi đến thăm điểm trường A Má, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lóng Sập (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu) vào giữa tháng 11, trong tiết trời se lạnh của những ngày chớm đông. Cung đường từ trung tâm huyện Mộc Châu vào A Má chỉ dài gần 30km nhưng quanh co, uốn lượn khiến việc đi lại rất khó khăn.

Điểm trường A Má nằm nép mình dưới chân núi. Điểm trường có 120 học sinh theo học, nhưng chỉ có một ngôi nhà cấp 4 và 1 nhà lắp ghép bằng tôn, gồm: 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) và 1 phòng ở bán trú. Con đường đến trường của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lóng Sập nói chung và học sinh tại điểm trường A Má nói riêng đều xa xôi hiểm trở, từ nhà đến trường học, các em phải đi bộ 4-5km đường rừng.

Lúc chúng tôi đến thăm, đã gần cuối giờ học buổi chiều, nhưng tiếng đọc bài của các em học sinh vẫn vang lên trong các lớp học. Cô giáo Khổng Thị Xuân - giáo viên điểm trường A Má - chia sẻ: “Việc dạy học ở vùng cao là thế, kết thúc buổi học mà các em chưa hiểu thì giáo viên phải kéo dài thêm thời gian để giảng giải thêm”.

2(1).jpg
Phòng bán trú của điểm trường A Má. Ảnh: P. TUÂN

Chia sẻ về những khó khăn khi giảng dạy tại điểm trường, cô  Xuân cho biết, sau mỗi kỳ nghỉ dài như nghỉ Hè, nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh vùng cao thường có tâm lý ngại trở lại trường học. Một phần do đường xá đi lại khó khăn, phần cũng bởi nhiều em vì hoàn cảnh gia đình, bố mẹ đi làm ăn xa không có người nhắc nhở, hoặc gia đình cần người để đi làm nương...

Để học sinh sớm trở lại học tập theo đúng lịch, trước mỗi kỳ nghỉ, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên về từng bản tuyên truyền, vận động học sinh và gia đình.

Cô giáo Kiều Thị Thủy - giáo viên điểm trường A Má - cho biết: Công việc dạy học ở đây khó khăn nhất là duy trì sĩ số học sinh. Nhất là sau những kỳ nghỉ, giáo viên của trường phải đến từng bản, gặp từng nhà để vận động học sinh trở lại trường.

“Nhiều khi các em nghỉ để đi làm nương xa cùng cha mẹ, giáo viên phải dò hỏi đường vào tận nương để tuyên truyền, vận động học trò đi học lại.” - cô Kiều chia sẻ.

Nỗ lực duy trì sĩ số lớp đã trở thành công việc quá đỗi quen thuộc với những thầy cô tại các điểm trường ở Mộc Châu. 

Cô giáo Nguyễn Thị Quy - giáo viên điểm trường Suối Thìn, điểm trường nằm dưới chân núi Pha Luông hùng vĩ, thuộc Trường  Tiểu học Chiềng Sơn (xã Chiềng Sơn) - cũng cho biết, mùa đông, thời tiết ở đây rất lạnh, mùa mưa thì nhiều đoạn đường có nguy cơ sạt lở, các gia đình thường cho con nghỉ học ở nhà; hoặc cũng có nhiều em phải theo cha mẹ lên nương “quên” cả việc đến lớp… Khi đó, các thầy, cô giáo phải đến tận nơi tuyên truyền, vận động bố mẹ cho các em trở lại trường học.

“Với chúng tôi, món quà ý nghĩa nhất là được đón học sinh đến lớp đầy đủ mỗi ngày. Dạy các em biết đọc, biết viết, giúp các em có những kiến thức cơ bản để sẵn sàng tới những lớp học cao hơn” - cô giáo Nguyễn Thị Quy tâm sự.

3(1).jpg
Học sinh điểm trường Suối Thín trong giờ học. Ảnh: H. THÀNH

Thầy Nguyễn Quang Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơn - chia sẻ thêm: “Ở miền biên viễn này, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Do vậy, đầu mỗi năm học mới, nhà trường tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể và Ban đại diện cha mẹ học sinh đến từng thôn, bản để tuyên truyền vận động hết số học sinh ra lớp, đảm bảo việc duy trì sĩ số. Dù gian nan, vất vả nhưng các cô giáo, thầy giáo luôn cố gắng, dành trọn tình thương cho học trò, tiếp tục ươm mầm, gieo tri thức với sứ mệnh "trồng người" nơi miền biên viễn” - thầy Nguyễn Quang Trường chia sẻ.

Gian nan đường đến trường

Rời A Má, Suối Thín, chúng tôi đến với điểm trường Lũng Mú, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Hợp (xã Tân Hợp, Mộc Châu). Đây là điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa, với 42 học sinh (100% học sinh là dân tộc thiểu số).

4.jpg
Đường đến điểm trường Lũng Mú. Ảnh: L. HÒA

Mặc dù cách trung tâm xã Tân Hợp 13km nhưng để đến được điểm trường này, phải mất nhiều giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy. Bởi, đường mòn nhỏ, dân cư thưa thớt, nhiều đèo dốc, khúc khuỷu, trơn trượt; một bên núi, một bên vực sâu thăm thẳm, chỉ sơ sẩy một chút là lao mình xuống dưới. Những ngày mưa, đường biến thành ruộng, ngày nắng bụi phủ mịt mù. Vì vậy, phần lớn học sinh của điểm trường ở nội trú, cuối tuần được nghỉ mới về với gia đình.

Đã có nhiều năm giảng dạy tại điểm trường Lũng Mú, thầy giáo Bùi Văn Dũng chia sẻ: “Để vào điểm trường, ngày thường đã khó đi, ngày mưa thì không nói hết sự vất vả. Hiện giờ, tôi cũng không còn nhớ là mình đã bị ngã xe trên con đường này bao nhiều lần nữa” - thầy Dũng cho biết.

5.jpg
Học sinh điểm trường Lũng Mú trong giờ học. Ảnh: P. TUÂN

Những vất vả, gian nan của thầy Bùi Văn Dũng cũng là nỗi niềm, trăn trở chung của nhiều thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các trường học, điểm trường vùng cao. Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện đi lại, đường sá, môi trường, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy học, nhiều thầy cô còn phải hy sinh hạnh phúc của bản thân, xa gia đình để gieo từng con chữ cho học trò.

Thầy Bùi Anh Phôn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Hợp - chia sẻ: Điểm trường Lũng Mú nằm xa xôi, khó khăn nhất của nhà trường. Hiện nay, cơ sở vật chất của trường, đặc biệt là cung đường từ điểm trường trung tâm vào Lũng Mú vẫn còn rất khó khăn... Dù khó khăn, vất vả nhưng các thầy vẫn bám bản, bám trường và đều chung mục đích không để trống tiết, trống giờ giảng, làm sao mang được cái chữ đến với các em một cách trọn vẹn nhất.

6.jpg
Học sinh điểm trường Lũng Mú vui chơi sau khi tan trường. Ảnh. H. THÀNH

Khi những câu chuyện còn dang dở thì mặt trời đã bắt đầu ẩn mình trên đỉnh núi phía Tây, dân bản từ dưới ruộng thấp, trên nương cao cũng đang tất tả trở về nhà sau một ngày làm việc. Tạm biệt A Má, Suối Thín, Lũng Mú...

Chia tay các điểm trường, chúng tôi mang theo những lời giảng bài ấm áp, mang theo cả mong ước của các thầy, cô giáo. Không mong gì cho bản thân mình, các thầy, cô chỉ mong ước sẽ có thêm sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của toàn xã hội để trường lớp được khang trang hơn, để con đường đến trường của các em học sinh bớt gian nan, vất vả. Và khi đó, các thầy, cô sẽ được đón thêm nhiều học sinh đến trường. Niềm vui và hạnh phúc của các thầy, cô nơi đây là được tiếp tục gieo chữ trên vùng cao, chứng kiến thêm nhiều thế hệ học trò khôn lớn, trưởng thành./.

Toàn huyện Mộc Châu có 43 đơn vị trường học trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, trong đó 21 trường mầm non; 3 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở, 14 trường tiểu học và trung học cơ sở, 3 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở; với 115 điểm trường lẻ cấp mầm non, 54 cấp tiểu học

Cùng chuyên mục
Miệt mài “cõng” chữ lên non