Tăng cường học tập kinh nghiệm kiểm toán và thông lệ tốt của quốc tế

(BKTO)- Trong khuôn khổ Tọa đàm phổ biến kinh nghiệm quốc tế từ các đoàn học tập, hội nghị, hội thảo từ nước ngoài của KTNN năm 2019-2020 diễn ra sáng 11/9 tại trụ sở KTNN, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán lĩnh vực dầu khí, kinh nghiệm kiểm toán CNTT và kiểm toán trong môi trường CNTT, kinh nghiệm kiểm toán các công trình xây dựng công cộng, kiểm toán việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và kinh nghiệm kiểm toán môi trường/kiểm toán các ngành của một số Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới.



                
   

Quang cảnh Tọa đàm
   

   
Báo Kiểm toán trân trọng gửi tới độc giả những ý kiến, tham luận tại Tọa đàm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Việc tiếp thu ý kiến, học tập kinh nghiệm từ các SAI trên thế giới để hướng tới sự phát triển đồng đều là một trong những yêu cầu của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI).

Thời gian qua, KTNN Việt Nam đã cử nhiều đoàn công tác với nhiều lượt cán bộ, công chức đi học tập, tham dự các khóa đào tạo, hội thảo trong khu vực và trên thế giới.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Tọa đàm
   

   
Có thể nói, qua các chuyến công tác, công chức, kiểm toán viên KTNN đã có những cơ hội học hỏi và thực hành những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, phương pháp kiểm toán phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tác phong và tính chuyên nghiệp của các SAI trên thế giới, qua đó góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, kiểm toán viên KTNN.

Để đẩy mạnh công tác kiểm toán CNTT, kiểm toán môi trường, KTNN cần chú trọng đến yếu tố đào tạo nhân sự và công nghệ; lựa chọn những cán bộ có năng lực để tham gia vào các đoàn kiểm toán về CNTT và kiểm toán môi trường.

Bên cạnh đó, KTNN cũng cần quan tâm, tiếp tục nghiên cứu đề xuất để bổ sung quy định về kiểm toán trong Luật Môi trường nhằm thúc đẩy lĩnh vực kiểm toán môi trường.

Hiện nay, Ngành đã xây dựng thư viện điện tử liên quan đến kinh nghiệm kiểm toán của các quốc gia trên thế giới, từ đó tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, đóng góp cho quá trình phát triển của KTNN Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế

Theo báo cáo tổng hợp kinh nghiệm từ các đoàn học tập, hội nghị, hội thảo của KTNN đã thu được trong năm 2019 và 2020, KTNN đã tổ chức các đoàn công tác nước ngoài để tham gia học tập kinh nghiệm chuyên môn, tham dự các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo tại nhiều SAI trong khu vực và trên thế giới.Nội dung học tập, chia sẻ kinh nghiệm tập trung vào các lĩnh vực mà KTNN đang quan tâm như: kiểm toán CNTT, kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kiểm toán môi trường…
                
   

Phó Vụ trưởng Vụ HTQT Nguyễn Việt Hùng trình bày báo cáo
   

   
Nhìn chung, kết quả học tập từ những đoàn đi công tác nước ngoài năm 2019-2020 được đánh giá khá tốt, các chuyến công tác kết thúc theo kế hoạch và đem lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó, các công chức, kiểm toán viên KTNN có cơ hội học hỏi và thực hành những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn kiểm toán phù hợp với chuẩn mực quốc tế, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ công chức, kiểm toán viên, giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VI, Trưởng đoàn công tác tại Cô-oét của KTNN

KTNN Cô-oét là một SAI có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán dầu khí. Trong thời gian công tác, Đoàn đã tham gia các buổi tập huấn với các nội dung đi từ tổng quan giới thiệu về KTNN Cô-oét, hoạt động dầu khí của KTNN Cô-oét đến các hoạt động kiểm toán chi tiết của đơn vị, xen kẽ với khảo sát thực địa tại Công ty Dầu khí Cô-oét, qua đó thu được nhiều kết quả, kinh nghiệm hữu ích.
                
   

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Thu Giang
   

   
Do cùng dựa trên hệ thống chuẩn mực ISSAI nên công tác kiểm toán của KTNN Cô-oét có những nét tương đồng nhất định với KTNN Việt Nam trên nhiều mặt như: quy trình kiểm toán, cách tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro…

Song cũng có nhiều điểm khác biệt như: đơn vị kiểm toán phải cam kết hoặc đề xuất giải pháp khắc phục ngay tại giai đoạn lập báo cáo; hay phân tách riêng công tác Lập kế hoạch và Đánh giá kiểm soát nội bộ thay vì tích hợp chung trong bước Chuẩn bị kiểm toán như KTNN Việt Nam.

Ông Lê Anh Vũ - Trưởng phòng, KTNN Chuyên ngành VII, Trưởng đoàn công tác của KTNN tại Hàn Quốc và Trung Quốc

Đoàn công tác tìm hiểu kinh nghiệm kiểm toán CNTT và dữ liệu lớn tại SAI Hàn Quốc (BAI) và SAI Trung Quốc (CNAO) sau chuyến công tác đã thu được một số kết quả, bài học kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn tại KTNN Việt Nam.
                
   

Ông Lê Anh Vũ - KTNN chuyên ngành VII
   

   
Cả CNAO và BAI đều coi kiểm toán CNTT và kiểm toán dữ liệu lớn là các mục tiêu chiến lược của mình nên đều có chiến lược phát triển riêng từ chính sách, nhân sự, hạ tầng phần mềm CNTT cho kiểm toán CNTT, đồng thời coi trọng công tác xây dựng khung pháp lý đáp ứng thu thập dữ liệu lớn và xây dựng quy trình, mô hình để triển khai kiểm toán dữ liệu lớn.

Trên cơ sở kết quả thu được từ chuyến công tác, Đoàn đã đưa ra một số đề xuất bao gồm: nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kiểm toán CNTT và dữ liệu lớn phù hợp với Luật KTNN sửa đổi; xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển đội ngũ kỹ sư phân tích dữ liệu lớn; phát động phong trào ứng dụng kiểm toán dữ liệu lớn trong công tác kiểm toán; tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại liên quan đến kiểm toán CNTT và dữ liệu lớn.

Ông Trần Văn Linh - KTNN Chuyên ngành VI, Trưởng đoàn công tác tại Nhật Bản của KTNN

Theo kinh nghiệm của Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản (BOA) về kiểm toán các công trình xây dựng, hằng năm, báo cáo kiểm toán được BOA gửi trực tiếp cho Chính phủ, sau đó Chính phủ trình lên Quốc hội và BOA chịu trách nhiệm giải thích các nội dung trong báo cáo kiểm toán trước Quốc hội và các cơ quan có liên quan khác.
                
   

Ông Trần Văn Linh - KTNN chuyên ngành VI
   

   
BOA thực hiện kiểm toán đối với các công trình xây dựng được Chính phủ đầu tư hoặc tài trợ, được Chính phủ cấp vốn hoặc có liên quan đến tài sản quốc gia. Các cuộc kiểm toán công trình xây dựng công cộng chủ yếu diễn ra tại công trường, dựa trên các bức ảnh chụp quá trình thi công từ khi khởi công đến khi nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, bản vẽ và các ghi chép khác.

Qua chuyến công tác tại Nhật Bản, đoàn công tác của KTNN Việt Nam đã được tham gia bài giảng và tiếp xúc trực tiếp với các mô hình xây dựng dân dụng tại Trung tâm đào tạo Annaka của BOA, được giới thiệu và áp dụng trong thực tế một số công cụ kiểm toán viên Nhật Bản sử dụng trong quá trình kiểm toán, cũng như những ví dụ, kết quả kiểm toán và phát hiện kiểm toán trong thực tế các cuộc kiểm toán đã diễn ra tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Lương Thuyết - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Trưởng đoàn công tác tại Hoa Kỳ của KTNN

Liên quan đến công tác kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), theo thống kê của Vụ Các vấn đề kinh tế xã hội của Liên hợp quốc (UN) tháng 01/2019, trong số 194 thành viên của INTOSAI, đã có 34 SAI kiểm toán những vấn đề và chương trình liên quan đến SDGs, 70 SAI đã kiểm toán sự sẵn sàng thực hiện SDGs như: Áo, Canada, Hà Lan, cuộc kiểm toán hợp tác của 11 SAI Mỹ La tinh…
                
   

Ông Nguyễn Lương Thuyết - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp
   

   
Theo đó, các cuộc kiểm toán đa số đều đưa ra những mục tiêu, tiêu chí kiểm toán dựa theo hướng dẫn của Cơ quan Sáng kiến Phát triển của INTOSAI (IDI) về việc điều chỉnh Kế hoạch hành động 2030, đảm bảo nguồn lực và hệ thống giám sát, theo dõi thực hiện SDGs.

Cùng với những cuộc kiểm toán về sự sẵn sàng thực hiện SDGs, một số cuộc kiểm toán bắt đầu tập trung vào việc thực hiện SDGs, đánh giá hoạt động của các chương trình thúc đẩy SDGs ở một lĩnh vực cụ thể.

Ông Phan Trường Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VII, Trưởng nhóm công tác của KTNN tại Thái Lan

Từ ngày 06/8-09/8/2019, đoàn công tác của KTNN đã tham dự Cuộc họp lần thứ 19 của Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI (INTOSAI WGEA) tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Các nội dung được thảo luận tại cuộc họp bao gồm những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về KTMT về nhiều chủ đề, trong đó tập trung vào kiểm toán liên quan đến SDGs của UN.
                
   

Ông Phan Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế
   

   
Trên cơ sở kinh nghiệm hoạt động KTMT của SAIs, Đoàn công tác đã đề xuất một số giải pháp cần được thực hiện hoặc có định hướng phát triển để nâng cao vai trò, chất lượng KTMT và hướng đến kiểm toán SDGs. Trong đó, tập trung tăng cường tham gia, tổ chức các hội thảo, trao đổi thực hiện hợp tác đào tạo, bồi dưỡng; Tìm kiếm khả năng, cơ hội để tiếp tục thực hiện các cuộc kiểm toán hợp tác về môi trường và SDGs; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trong nước về lĩnh vực môi trường, SDGs và ứng dụng CNTT…

Tại Tọa đàm, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận làm sâu sắc thêm từng nội dung đã được các đại biểu báo cáo. Các ý kiến đề xuất chủ yếu xoay quanh việc xác lập tiêu chí đánh giá rủi ro, đánh giá nội bộ và khảo sát kế hoạch, xây dựng cẩm nang kiểm toán, chia sẻ tài liệu học tập của các SAI, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Ghi nhận ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sau buổi Tọa đàm, Lãnh đạo KTNN sẽ tiếp tục tiếp thu và nghiên cứu để đưa ra những chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh bế mạc Tọa đàm
   

   
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng rằng, những kiến thức được chia sẻ trong buổi Tọa đàm sẽ là những bài học quý giá và là nguồn tham khảo hữu ích cho hoạt động chuyên môn, giúp nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN Việt Nam.

Tin và ảnh: N.QUỲNH - H.THOAN - L.HÒA
Cùng chuyên mục
Tăng cường học tập kinh nghiệm kiểm toán và thông lệ tốt của quốc tế