Trình bày ý kiến của các DN trong nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Điểm tích cực nhất có thể thấy là ít có thời điểm nào, Chính phủ và các Bộ, ngành đã dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa qua. Cũng ít có thời điểm nào Chính phủ dành nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với các DN như những tháng qua”.
Ông Vũ Tiến Lộc đúc rút: “Thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, chúng tôi cho rằng giải pháp quan trọng là hành động, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế”.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016Ảnh: THANH HẢI
Đại diện cho các nhóm công tác, các đại biểu đến từ Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham), Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), Hiệp hội DN Hàn Quốc (KoCham), Hiệp hội DN Nhật Bản (JBAV), Hiệp hội DN Anh quốc (BBGV) cũng đã chia sẻ những đánh giá của cộng đồng DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam về những bước tiến trong phát triển kinh tế, tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát và tiền tệ được quản lý chặt chẽ.
Tuy nhiên, cũng tại Diễn đàn này, những phản ánh của cộng đồng DN trong và ngoài nước đã thẳng thắn đưa ra những đề xuất, trong đó tập trung vào vấn đề cải thiện mối liên kết giữa các DN trong nước với DN FDI; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân; giải quyết một số vấn đề pháp lý đang gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài; cải thiện cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững.
Đồng thời, nhiều đề xuất chi tiết, cụ thể hơn cũng được đại diện các nhóm công tác trình bày tại Diễn đàn. Ông Han Dong Hee - Chủ tịch KoCham - cho rằng, cần phải giảm thiểu các khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam, nới lỏng quy định về thuế nhập khẩu đối với máy móc cho DN chế biến xuất khẩu sử dụng dưới hình thức cho thuê tài chính, nới lỏng quy định về thuế đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế…
Các nhóm công tác cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Việt Nam tháo gỡ khó khăn để các DN đầu tư thuận lợi vào lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, điện năng, cơ sở hạ tầng, du lịch, thị trường tài chính - chứng khoán…
Chính phủ đối thoại thẳng thắn với các DN
Sau khi lắng nghe các đề xuất, kiến nghị từ các DN, đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam như: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch… đã lần lượt chia sẻ, giải đáp những vấn đề được đặt ra, như chính sách về hợp tác công tư PPP, Thông tư 23/2015/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam… Đồng thời, đại diện các Bộ, ngành cũng cập nhật những chính sách đang soạn thảo, sửa đổi, sắp ban hành để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN.
Đối thoại với các DN tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua 4 phiên thảo luận, Diễn đàn đã đề cập tới 7 nội dung quan trọng. Đó là những chủ đề rất thiết thực và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng nhấn mạnh: “DN Việt Nam là bao gồm cả các DN FDI đã đăng ký cấp phép (có tư cách pháp nhân Việt Nam) và các DN trong nước. Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành cộng đồng DN Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất”.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công - tư (PPP); khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI.
Về phía DN FDI, Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam bằng “khối óc” - tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và “trái tim” - tức chuẩn mực đạo đức kinh doanh và văn hóa DN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn tránh trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết.