Kiểm định chất lượng để biết mình đang ở đâu
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), KĐCLGD là hoạt động tồn tại từ lâu trên thế giới và đang trở nên phổ biến ở Việt Nam. Đây là công cụ hiệu quả giúp các trường kiểm soát và bảo đảm chất lượng đào tạo.
PGS,TS. Đinh Thành Việt - Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng cho rằng, KĐCLGD sẽ giúp trường chỉ ra được những điểm mạnh và những vấn đề cần phải cải tiến đối với chương trình đào tạo và các hoạt động giảng dạy. Theo tiêu chuẩn kiểm định, nội dung đào tạo sẽ phải gắn liền với thực tiễn, đáp ứng tốt các chuẩn đầu ra và yêu cầu của các bên liên quan, đặc biệt là nhà tuyển dụng. “Việc cơ sở GDĐH đáp ứng một cách tốt nhất các tiêu chuẩn KĐCLGD sẽ giúp người học được hưởng lợi, các trường cũng sẽ tạo dựng được uy tín qua kiểm định” - PGS,TS. Đinh Thành Việt cho biết.
KĐCLGD giống như thức đo để giúp các trường xác định được chất lượng đào tạo của mình. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Với vai trò như như thước đo chất lượng đào tạo của trường, song thái độ tiếp cận và kết quả thực hiện KĐCLGD của nhiều cơ sở GDĐH hiện còn rất hạn chế. Bên cạnh một bộ phận cơ sở GDĐH thực hiện nghiêm túc, hiệu quả KĐCLGD định kỳ hàng năm, thậm chí là thuê tổ chức kiểm định nước ngoài để KĐCLGD nhằm hướng đến hội nhập quốc tế, thì nhiều trường vẫn ngần ngại, thậm chí từ chối kiểm định.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý chất lượng, tính đến ngày 30/6/2021, có 160/242 cơ sở GDĐH và 10/236 trường cao đẳng đào tạo sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Như vậy còn rất nhiều cơ sở GDĐH chưa tham gia KĐCLGD. |
Bên cạnh đó, một lí do khác khiến các trường ngại kiểm định, đó là lo ngại những điểm hạn chế của trường sẽ lộ ra ngoài, bởi trong 5 trung tâm KĐCLGD trong nước hiện nay, phần lớn đều trực thuộc cơ sở GDĐH khác. “Vì cạnh tranh người học, các trung tâm đó có thể đưa thông tin gây bất lợi cho nhà trường, tạo lợi thế cho trường chủ quản của trung tâm đó” - đại diện một cơ sở GDĐH cho biết.
Để giá trị kiểm định trở nên hữu hình, thực chất hơn
Hiện, Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT về KĐCLGD ĐH đã quy định rõ trách nhiệm của các bên, từ các trường đến các trung tâm KĐCLGD. Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi cơ quan quản lý về giáo dục, các cơ quan chủ quản cần có giải pháp mạnh mẽ hơn đối với các trường về vấn đề này.
Đảm bảo KĐCLGD để được tự chủ mức thu học phí Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định đối với các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt KĐCLGD thì thực hiện mức thu học phí không quá mức trần Nhà nước quy định; các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2-2,5 lần học phí mức trần. |
Theo đó, dự thảo Nghị định lần này với nhiều chính sách mới, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính mà còn gắn với kết quả KĐCLGD của các trường. Đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định đến, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.
Người học là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ các chương trình KĐCLGD. Ảnh: N.LỘC |
Thông tin về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD&ĐT cho biết, chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt KĐCLGDtheo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất hoặc đạt KĐCLGD theo tiêu chuẩn nước ngoài thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục lại nảy sinh lo ngại, khi một số cơ sở GDĐH “non chuẩn” đã mời trung tâm kiểm định về kiểm định để dùng kết quả “vẫn đạt” hợp thức hóa hoạt động, thực hiện thu học phí cao.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp về tổng kết đợt giám sát, đánh giá đối với dự án Nâng cao chất lượng GDĐH vừa qua, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tăng cường quản lý đối với công tác bảo đảm và KÐCLGD. Trong đó, Bộ sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KÐCLGD để giám sát kết quả hoạt động trong công tác bảo đảm và KÐCLGD của các cơ sở GDÐH.
NGUYỄN LỘC