Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp tục đổi mới công tác toàn diện hoạt động kiểm toán năm 2022
Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, KTNN xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 là: “Bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022, thực hiện có hiệu quả, chất lượng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030); tích cực đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ cao, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế trong khu vực và trên thế giới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Trên cơ sở đó, KTNN sẽ tập trung bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để chủ động triển khai nhiệm vụ; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đồng thời thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ.
Trong hoạt động kiểm toán, KTNN xác định tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2022 trên tinh thần đổi mới toàn diện.
Trong đó, toàn Ngành tập trung kiểm toán đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan Trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro để chấn chỉnh, phòng ngừa và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 phục vụ cho việc phê chuẩn của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố; các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia; đồng thời tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm gắn với kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH.
Xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2022 khoa học, hiệu quả, đảm bảo số lượng cuộc kiểm toán không tăng so với năm 2021 để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán; tăng số cuộc kiểm toán xác nhận quyết toán NSNN hàng năm; thực hiện có hiệu quả kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, rút ngắn thời gian kiểm toán.
Đồng thời, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong xây dựng KHKT hàng năm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN; tiếp tục tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa, ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên, đảm bảo mỗi kiểm toán viên luôn hoạt động độc lập, chính trực, khách quan; tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội bộ, xử lý nghiêm những công chức có hành vi, thái độ nhũng nhiễu, vụ lợi, gây phiền hà đơn vị được kiểm toán, vi phạm kỷ luật công vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
KTNN cũng chú trọng tăng cường và đa dạng hóa hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định nhằm lan tỏa thông tin, nâng cao tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ; ứng dụng có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán; xây dựng Trung tâm dữ liệu của KTNN theo mô hình quản lý tập trung, hướng tới việc số hóa dữ liệu của KTNN, kết nối liên thông với nguồn dữ liệu của các địa phương, Bộ, ngành và nguồn dữ liệu quốc gia.
Cùng với đó, KTNN tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của KTNN Việt Nam trong Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á và Tổ chức Quốc tế Các cơ quan Kiểm toán Tối cao, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác với một số cơ quan kiểm toán chiến lược, có thế mạnh trên một số lĩnh vực mà KTNN Việt Nam đang cần trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm.
Kiểm toán đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực chống dịch và các gói hỗ trợ
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với định hướng hoạt động của KTNN. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra lưu ý, KTNN cần dự báo tình hình, các yếu tố tác động để xây dựng KHKT và phương án tổ chức hoạt động của KTNN năm 2022 phù hợp, khả thi, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng đến nhiều địa phương, DN. Đồng thời, quan tâm, bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn tại KTNN, phục vụ chuyển đổi số, hướng tới thực hiện kiểm toán số. Tiếp tục thí điểm các cuộc kiểm toán theo hình thức trực tuyến để tiết kiệm nguồn lực, thời gian kiểm toán và phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
UBTVQH yêu cầu, KTNN cần tập trung kiểm toán các chuyên đề phục vụ cho công tác phê chuẩn quyết toán NSNN, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, đặc biệt là tăng cường kiểm toán phục vụ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến an toàn nợ công, bội chi ngân sách tín dụng ngân hàng, quản lý các dự án BOT và quản lý vốn đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, KTNN cần chú ý kiểm toán, đánh giá việc huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho phòng, chống dịch và đánh giá việc thực hiện các chính sách, các gói cứu trợ và phân bổ, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, việc chuyển nguồn ngân sách…
Nhấn mạnh việc thực hiện hoạt động kiểm toán nhằm cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội làm nhiệm vụ trọng tâm của KTNN, các Ủy viên UBTVQH đề nghị KTNN cần bám sát kế hoạch, đề cương giám sát được UBTVQH phê duyệt để xác định nhiệm vụ của mình và kịp thời tổ chức kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán đảm bảo thời gian để Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ giám sát./.
Đ. KHOA