Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 2, sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020. Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tăng cường kỷ cương quản lý Quỹ BHXH, đồng thời sớm sửa đổi Luật BHXH để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực hiện chính sách này.



Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vượt xa mục tiêu

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện chính sách chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), BHXH Việt Nam và một số cơ quan liên quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng như hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ), nhất là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của đại dịch Covid-19…                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   
Theo cơ quan thẩm tra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Đặc biệt, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đạt 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi - vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2021 (1%) và gần bằng kế hoạch đến năm 2025.

“Về cơ bản, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đã phát huy tác dụng, thu hút, tạo điều kiện để những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác tham gia vào hệ thống BHXH. Năm 2020 đã có tổng số 1.128.145 người được hỗ trợ tương ứng số tiền khoảng 137,6 tỷ đồng, tăng 35,6 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2019” - bà Nguyễn Thuý Anh cho biết.
         
Đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia BHXH là 16.161.789 người, tăng thêm 2,5% (399.644 người) so với năm 2019. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 15.033.644 người, giảm 1,12% (giảm 170.392 người) so với năm 2019, nhưng nhóm đối tượng lao động khu vực DN ngoài quốc doanh tham gia BHXH bắt buộc tăng 1,05% so với năm 2019; số người tham gia BHTN là 13.320.231 người, giảm 0,54% (giảm 71.662 người) so với năm 2019 và chiếm tỷ lệ khoảng 27,57% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Sớm sửa đổi Luật để khắc phục hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH như: vẫn có tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH nhưng vẫn chưa có cơ chế, giải pháp hữu hiệu để giải quyết; số thu của BHXH bắt buộc năm 2020 tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019; tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc tăng và dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo...                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến - Ảnh: quochoi.vn

   
Thống nhất với báo cáo Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định, năm 2020 có nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều kết quả cao trong mở rộng diện bao phủ BHXH, BHTN. Tuy nhiên, theo bà Thanh, để đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 thì trong phát triển BHXH cần thiết kế gói an sinh theo đóng hưởng, đa dạng, đa tầng, linh hoạt và cần thiết kế các gói đóng nộp BHXH phù hợp với từng nhóm đối tượng; rà soát lại điều chỉnh một cách căn cơ nhằm tăng hỗ trợ các đối tượng tham gia BHXH, nhất là hỗ trợ để người nghèo, cận nghèo tham gia vào hệ thống BHXH nhằm đảm bảo an sinh lâu dài.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quỹ BHXH là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, chỉ sau NSNN. Do đó, trách nhiệm của Chính phủ, các ngành liên quan trong quản lý Quỹ là rất lớn, rất nặng nề. “Khó khăn là vậy nhưng công tác phát triển BHXH tự nguyện tăng nhanh; thời gian vừa qua phát triển bằng cả quá trình từ khi có quy định BHXH tự nguyện đến hết năm 2018, đó là công lao của các cơ quan quản lý nhà nước” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế vẫn lặp đi lặp lại đó là tình trạng trốn đóng, nợ đóng, trục lợi, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thấp… Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát lại trách nhiệm về quản lý nhà nước của Quỹ trong quản lý, trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, tránh chuyện tiêu cực, trục lợi… “Phải tăng cường hơn nữa kỷ cương trong quản lý và phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHXH” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nhiều năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH có vướng mắc nhưng đến giờ vẫn chưa có hướng xử lý việc nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Ông Thanh đề nghị, Bộ LĐ-TB&XH cần báo cáo thêm về những vướng mắc cũng như giải pháp để xử lý vấn đề này...                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến - Ảnh: quochoi.vn

   

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, UBTVQH ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH đã phối hợp triển khai thực hiện chính sách, chế độ BHXH. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị, về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH cần nỗ lực, cố gắng rất lớn để đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 28, trong đó quan tâm phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19; rà soát, làm rõ nguyên nhân nợ đọng, xác định được đối tượng, cả NLĐ và người sử dụng lao động, nhất là nhóm có sử dụng NSNN để có giải pháp đề xuất tháo gỡ bảo vệ quyền lợi ích của NLĐ; đẩy mạnh đổi mới thanh, kiểm tra; công tác thu, chi BHXH phải đảm bảo đúng đủ cho đối thượng thụ hưởng, tránh thất thoát Quỹ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thực hiện thi hành Luật BHXH, trong đó có sự kết nối thông tin chặt chẽ quá trình quản lý Quỹ BHXH để sớm đưa vào chương trình xây dựng luật theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28./.
N. HỒNG

Cùng chuyên mục
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội