Tăng cường năng lực ứng phó, phục hồi nền kinh tế

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, bên cạnh các giải pháp trên mặt trận phòng, chống dịch, cần có những các giải pháp nhằm tăng cường sức đề kháng, tăng cường năng lực hồi phục của nền kinh tế.



Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 22/7, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đánh giá, trong bối cảnh chịu tác động rất lớn của dịch Covid-19 song kinh tế - xã hội nước ta vẫn đạt những kết quả tích cực cho thấy sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ để thực hiện “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn và chưa có tiền lệ. Dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung nhiều lao động, có các DN lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho nền kinh tế, như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh. Nền kinh tế đang đối mặt nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới.

“6 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày có gần 400 DN rút khỏi thị trường. Tổng số đến nay đã có 70.290 DN rút khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. “Sức khỏe” của DN yếu đi đồng nghĩa với việc động lực cho tăng trưởng kinh tế bị suy giảm”- đại biểu chỉ ra thực tế.                
   

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So - Ảnh: quochoi.vn

   
Kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế, chuẩn bị năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, tăng cường năng lực để phục hồi kinh tế, không để kinh tế rơi vào suy thoái, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, trước hết, cần có chính sách nâng cao hiệu quả các gói hỗ trợ thông qua việc lựa chọn đúng trọng tâm, đối tượng, phân loại ngành nghề, tránh lãng phí và trục lợi chính sách nhằm hỗ trợ rủi ro cho DN.

Theo đại biểu, thời gian qua Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để kích cầu kinh tế thông qua các gói hỗ trợ nhưng kết quả không được như mong đợi. Các DN hầu như không tiếp cận được nguồn vốn do chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chí còn rườm rà, phức tạp. Do đó, Chính phủ cần xác định lại các chính sách hỗ trợ nhằm tạo đòn bẩy cho các DN hiện đang nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, các DN có đủ năng lực phục hồi, có cơ hội phát triển để tạo sự lan tỏa.

Cùng với đó, cần thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đổi mới năng động, sáng tạo, tiếp tục tháo gỡ những rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tư nhân có cơ hội bỏ vốn, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Đại biểu chỉ rõ, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc cải cách môi trường kinh doanh, song thực tế chưa đạt được kỳ vọng, môi trường đầu tư vẫn đang đứng ở thứ hạng thấp so với các quốc gia trong khu vực (đứng thứ 7 các nước ASEAN). Do đó, phải nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ các phí, đa dạng hóa, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao năng lực quản trị, cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng… đồng thời có chính sách về thuế hợp lý theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu đối với DN nhỏ và vừa.

Củng cố vai trò trụ cột của ngành nông nghiệp

Một giải pháp khác được đại biểu đề cập đó là nâng cao năng suất lao động. Theo đại biểu, đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng DN, là vấn đề sống còn của một quốc gia đang phát triển như nước ta. Năng suất lao động của nước ta hiện nay thấp, chỉ bằng 8,4% Sigapore, 23% so với Malaysia và 41% so với Thái Lan. Đại biểu cho rằng, chúng ta cần hoạch định, xây dựng một chiến lược tăng năng suất lao động bài bản, không chỉ làm thay đổi tư duy, nhận thức của DN, người dân về tầm quan trọng của năng suất lao động mà còn tạo hệ sinh thái về năng suất cho DN, tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau và tăng cường sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, chú trọng giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ để cải thiện năng suất lao động, cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước.                 
   

Chiều 22/7, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ - Ảnh: media.quochoi.vn

   
Đại biểu cũng đề xuất, cần có chiến lược chủ động về nguyên liệu sản xuất cho sản xuất trong nước dài hơn, tránh tình trạng khát nguyên liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng. Chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên liệu phụ kiện thay thế và quy hoạch vùng nguyên liệu để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để giảm chi phí sản xuất…

Giải pháp cuối cùng được đại biểu đề cập đó là khẳng định vai trò quan trọng, trụ cột của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế.

“Ngành nông nghiệp đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế chung nhưng thực tế vốn đầu tư cho lĩnh vực này thấp, chỉ chiếm 1,9% GDP và 5,8% vốn đầu tư xã hội. Do vậy cần phải có chính sách đầu tư, hỗ trợ tương xứng với tiềm năng của ngành” - đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu, cần phải làm tốt công tác quy hoạch ngành nông nghiệp và vùng sản xuất nguyên liệu, xây dựng cơ cấu sản phẩm hợp lý, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành và có cơ chế giao cho địa phương chia quỹ đất quy mô lớn và thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học và chế biến sâu, gia tăng giá trị của sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và định danh cho các sản phẩm nông sản Việt; giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản…/.

N.Hồng
Cùng chuyên mục
Tăng cường năng lực ứng phó, phục hồi nền kinh tế