Tăng cường thanh tra, kiểm toán phát hiện các vụ tham nhũng dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”

(BKTO)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng 13/11, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe và thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân); Báo cáo công tác năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân); Báo cáo về công tác thi hành án năm 2018; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.



56 người đứng đầu bị xem xét, xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
                
   

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo công tác PCTN năm 2018- Ảnh:quochoi.vn

   
Trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng: công tác PCTN trong năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Trong năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành mới 4.128 văn bản, huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.135 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 3.441 cuộc kiểm tra việc thực hiện, phát hiện 443 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 382 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 89 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 92,9 tỷ đồng (đã thu hồi 74,08 tỷ đồng, đạt 79,7%).

Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 06 trường hợp vi phạm. Đã xử lý kỷ luật 04 trường hợp, kiểm điểm 01 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 01 trường hợp.

Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 5.396 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 97 người.

Năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 05 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 06 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ); qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 66,7% số vụ).

Cơ quan điều tra của lực lượng Công an đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó: năm 2017 chuyển sang 168 vụ, 364 bị can; khởi tố mới 279 vụ, 554 bị can phạm tội tham nhũng (tăng 26,8% vụ, 15,6% bị can so với năm 2017). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 212 vụ, 488 bị can. Thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý, điều tra là hơn 4.764 tỷ đồng, trên 300.000m2 đất; đã thu hồi trên 2.267 tỷ đồng và nhiều tài sản.

Thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công và cổ phần hóa DNNN

Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có chiều hướng thuyên giảm nhưng tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn biểu hiện diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và DN. Công tác PCTN ở một số địa phương, Bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tự kiểm tra để phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu.

“Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại; vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật”- Báo cáo nêu rõ.

Chính phủ dự báo, trong thời gian tới, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và thuyên giảm. Tuy vậy, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, quản lý DNNN.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về những kết quả tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, theo đó, số vụ việc tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng cao so với năm 2017.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh “tham nhũng vặt” thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, DN “sân sau”, “công ty gia đình”… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.

Để công tác PCTN hiệu quả hơn, năm 2019, Chính phủ tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về PCTN; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu DNNN… Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm…

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm PCTN.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, KTNN chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công (đất đai, nhà…) tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa DNNN.

“Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, “sân sau”… để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Để góp phần cắt giảm chi phí cho DN, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 139/NQ- CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.
  • Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 12/11, với 100% số đại biểu Quốc hội có mặt (bằng 96,7% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
  • Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng nay (12/11), với 89,48% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021.
  • Dự thảo Luật Quản lý thuế không nên quy định những vấn đề kế toán
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trên cơ sở tiếp thu ý kiến rộng rãi của các ban ngành, các tổ chức nghề nghiệp và nhân dân, qua nhiều lần chỉnh sửa, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung) đã đổi mới hơn và khoa học hơn, thể hiện được tinh thần hướng đến mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy vậy, bên cạnh những điểm tích cực, một số quy định của Dự thảo Luật Quản lý thuế (DTLQLT) vẫn còn chồng chéo, không phù hợp với quy định của những bộ luật đã được Quốc hội thông qua trước đó. Ngoài việc xung đột với Luật KTNN, một số quy định của DTLQLT còn xung đột cả với Luật Kế toán.
  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Chiều 9/11, với 86,19% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2019.
Tăng cường thanh tra, kiểm toán phát hiện các vụ tham nhũng dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”