Đây là các phường có địa bàn ngoài đê, giáp với sông Hồng, và nằm trong cảnh báo nguy hiểm cao nhất.
Theo ghi nhận của Báo Kiểm toán gần trưa ngày 11/9, tình hình mưa vẫn tiếp diễn với lượng nước mưa lớn, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng tiếp tục dâng cao.
Tại khu vực khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm và phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên) đã ngập trong nước, người dân không thể tham gia giao thông qua đây.
Trong số 4 phường ngoài đê của quận Tây Hồ, phường Yên Phụ có số lượng người dân phải sơ tán lớn nhất. Trong đó, tổng số vận động di chuyển khỏi khu vực nguy cơ ngập đến 2h ngày 11/9 là 214 hộ với 429 nhân khẩu; trong đó đã di chuyển 158 hộ với 281 nhân khẩu. Số hộ và số nhân khẩu còn lại do ở nhà kiên cố 2 tầng nên sẽ tiếp vận động tuyên truyền di dời trong ngày 11/9.
Theo đánh giá của UBND phường Yên Phụ, khi xảy ra tình huống ngập úng, sạt, lở tràn kè; mưa to kéo dài 2-3 ngày với lượng mưa lớn kết hợp đỉnh lũ lên cao ở thượng nguồn, mực nước sông Hồng lên cao ở mức báo động 3 và trên báo động 3, các tổ dân phố ngoài đê sông Hồng ở địa bàn phường bị ngập ở mức nguy hiểm.
Nhiều nhà dân cuối ngõ 76 An Dương bị sạt lở do mưa to và ngập úng kéo dài, ảnh hưởng nguồn nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Lê Hoài Nam cho biết, UBND phường đã chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý. UBND phường đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh yêu cầu nhân dân đang sinh sống khu vực các tổ 9, 12, 13, 14 tiếp giáp với sông biết để chủ động phòng, bảo đảm an toàn.
Đến nay, phường Yên Phụ cũng đã vận động và cử các lực lượng dân quân tự vệ, y tế, công an hỗ trợ nhân dân di chuyển đến nơi ở tạm tại các nhà sinh hoạt số 9, 12, 13, 14 và Trung tâm Văn hóa phường; dự phòng 3 trường học mầm non An Dương, Tiểu học An Dương, Trường THCS An Dương khi thiếu nơi ở tạm cho nhân dân.
“Hiện UBND phường đã duy trì trực tại điếm canh đê 24/24h theo quy định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và quận; đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm tra dọc tuyến đê do phường phụ trách, phát hiện, xử lý các sự cố đê điều...” – ông Nam thông tin.
Ghi nhận tại phường Nhật Tân, hiện không có hộ dân đang sinh sống trong vùng thoát lũ, đối với các hộ dân đang canh tác, lao động trong phạm vi thoát lũ, UBND phường đã vận động di chuyển đối với 40 lao động (chủ yếu lao động là người địa phương đang làm việc tại khu vực bãi đá sông Hồng).
Trao đổi với Báo Kiểm toán, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn cho biết, các lực lượng chức năng của phường đang tập trung ứng phó mưa lũ 24/24h, đồng thời thường xuyên tuyên truyền về diễn biến tình hình thời tiết cho các tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn phường trên mọi nền tảng để người dân biết để ứng phó với mọi tình huống, chống úng ngập, chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các hàng hóa thiết yếu để đảm bảo đời sống.
Bên cạnh đó, phường cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai, lụt bão gây ra giúp nhân dân sớm ổn định đời sống sinh hoạt trước, trong và sau lụt bão; đảm bảo vệ sinh môi trường, phục hồi sản xuất và sẵn sàng cứu trợ kịp thời cho nhân dân các khu vực bị thiên tai đặc biệt là các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Trong khi đó, tại phường Phú Thượng, hàng chục hộ dân sinh sống ngoài đê đã được di dời về nhà văn hóa khu dân cư số 15-16 để đảm bảo an toàn. Theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Tưởng, cùng với việc đảm bảo nơi lưu trú an toàn, các ngành chức năng trên địa bàn đã phối hợp để đảm bảo chăm lo tốt cuộc sống của người dân phải tạm di dời.
Chính quyền địa phương đã sẵn sàng phương án di dời khoảng 1 nghìn hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu về trung tâm văn hóa của phường và nhà sinh hoạt các tổ dân phố trong trường hợp các tổ dân phố ngoài đê trên địa bàn bị ngập ở mức nguy hiểm.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, bám sát chỉ đạo của thành phố và quận để có các phương án tiếp theo” – ông Tưởng nhấn mạnh.
Trước đó, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng yêu cầu các đơn vị chức năng tại các phường có khu vực ngoài đê tiếp tục theo dõi, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 đến kịp thời có biện pháp ứng phó với mưa lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, cũng như hạn chế tối đa thiệt hại tài sản do mưa lũ.
Thông tin về công tác phòng, chống bão số 3, UBND quận Tây Hồ cho biết, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quận Tây Hồ đã không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong bão số 3.
Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 23h30 ngày 10/9 là 10,5m (mực nước báo động 2 là 10,5m), Hà Nội phát lệnh báo động 2 trên sông Hồng. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 5h sáng 11/9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đạt 10,76m, trên báo động 2 0,26m và với tình trạng mưa lớn tiếp diễn, mực nước sông được dự báo tiếp tục tăng.
Các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có sự thay đổi lệnh báo động cho phù hợp với tình hình với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản do mưa lũ.