Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng

(BKTO) - Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; các chính sách đặc thù vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô để thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

2fgjhtf.png
Phấn đấu hoàn thành xây dựng dự án Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trước năm 2027

Tạo đột phá về thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Tham luận tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Trong những năm qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết mang tính chiến lược phát triển dài hạn của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Ngay sau khi có các Nghị quyết của Trung ương, Hà Nội đã chủ động xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô. Trong đó luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đặc biệt, hiện nay, Hà Nội đang xây dựng đồng thời Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để tạo lập không gian phát triển mới, chú trọng các liên kết phát triển vùng và tạo lập nguồn lực mới từ nguồn tài nguyên nhân văn, tài nguyên số... Đây là nội dung mới, phức tạp trong điều kiện các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng đang trong quá trình nghiên cứu triển khai xây dựng.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội tạo đột phá về thể chế, chính sách phát triển không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, đồng thời tạo điều kiện để Hà Nội trở thành đầu tàu, làm hình mẫu và động lực phát triển của Vùng và cả nước.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Bên cạnh đó, Thành phố đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo đột phá về thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và lợi thế so sánh của Thủ đô; Sớm đưa Thủ đô trở thành hạt nhân, là động lực phát triển của Vùng và cả nước theo định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia mới được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 ngày 09/01/2023.

Về liên kết phát triển vùng, thời gian tới, Hà Nội sẽ tích cực, chủ động tham gia công tác lập Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng; Phối hợp với các địa phương trong Vùng để triển khai các cơ chế liên kết, đảm bảo sự phát triển thống nhất theo Quy hoạch vùng, như: Cơ chế cung cấp thông tin; Phối hợp đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng liên kết vùng; Cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực…

Các quy hoạch này là cơ sở để Hà Nội cập nhật, tích hợp thống nhất trong quá trình lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, thành phố tiếp tục triển khai các quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch xây dựng và định hướng chuẩn bị các dự án đầu tư trọng điểm có tính chất kết nối, liên kết vùng.

Ngoài ra, Thành phố nghiên cứu cơ chế phân công, hợp tác giữa các địa phương trong Vùng để hình thành hệ thống chuỗi đô thị, khu công nghiệp, cụm liên kết nhằm khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, thúc đẩy phát triển Vùng.

Hà Nội trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng điều phối vùng tiếp tục quan tâm ủng hộ thành phố trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, trước mắt là việc cho ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và trình Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, các địa phương thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng cần xây dựng quy chế phối hợp xử lý các vấn đề khủng hoảng, sự cố về thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh; Quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về môi trường, trước mắt là môi trường nước, cùng các quy định chia sẻ nguồn vật liệu xây dựng; Một số nguyên tắc thoả thuận trong Vùng về kết nối giao thông, gồm cả giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Việc sớm ban hành những quy chế này sẽ giúp hoạt động của Vùng đồng bằng sông Hồng sớm tạo hiệu quả ngay trong thực tiễn, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh

Với vị trí và vai trò là Thủ đô, là hạt nhân và là trung tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng và với trách nhiệm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã đề xuất 5 nội dung nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Theo đó, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng; tăng cường phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng. Đối với Thủ đô Hà Nội, trước mắt là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng kế hoạch.

Hai là, tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện, thực tế và hiệu quả để xây dựng và phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tiếp tục tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển các quan hệ hợp tác song phương, hợp tác đa phương giữa các địa phương trong Vùng.

Ba là, xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành cho được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Hà Nội đóng vai trò là trung tâm, vùng động lực phát triển, tạo sự liên kết, phát triển vùng.

Năm là, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, thúc đẩy các hoạt động liên kết, phát triển của vùng bằng các tuyến đường bộ, đường sắt liên vùng.

Đầu tư hoàn thiện các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai, hệ thống đường kết nối theo quy hoạch và phù hợp với kiến trúc, cảnh quan; phấn đấu hoàn thành xây dựng dự án Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trước năm 2027; nghiên cứu chuẩn bị đầu tư đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt tốc độ cao Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.../.

Cùng chuyên mục
  • Giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản tiêu biểu của Hà Nội
    9 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 diễn ra từ ngày 21 - 25/7 tại huyện Ứng Hòa. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức.
  • Kon Tum: Giải ngân 646 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo
    9 tháng trước Địa phương
    (BKTO) – Theo Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, 6 tháng đầu năm, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cho hơn 13 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum với số tiền 646 tỷ đồng.
  • Cần Thơ: Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
    9 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Chính quyền TP. Cần Thơ đã trao đổi, lắng nghe các ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế; xây dựng niềm tin giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cấp chính quyền Thành phố.
  • Trà Vinh: Phấn đấu thu thuế năm 2023 đạt 5.900 tỷ đồng
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Trong bối cảnh một số khoản thu thuế có nguy cơ giảm, Cục Thuế tỉnh Trà Vinh phấn đấu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu thu nội địa 5.900 tỷ đồng.
  • Diện mạo nông thôn ở Hòa Bình ngày càng khởi sắc
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Tính đến hết quý II năm 2023, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả khả quan, diện mạo nông thôn và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt; phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng