Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 dự kiến ở mức bình quân 6% năm.Ảnh: TS
Mặc dù có những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ môi trường xung quanh, khi các nền kinh tế mới nổi trong khu vực đang đối mặt với những thách thức suy giảm của hoạt động sản xuất.
Về mặt bằng giá, Báo cáo dự báo mức lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%. Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2%. Tuy nhiên, do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường nguyên liệu thô thế giới, biến đổi khí hậu, các yếu tố nội sinh như chính sách tiền của NHNN và biến động của tổng cầu, không loại trừ mức lạm phát năm 2016 sẽ đạt 5,2%, vượt qua mục tiêu 5% của Chính phủ. Năm 2016 có một đặc điểm quan trọng là năm đánh dấu những mốc hội nhập lớn của Việt Nam, đi kèm với một giai đoạn tăng trưởng mới của nền kinh tế với nhiều khó khăn và thách thức.
Thông qua việc đánh giá tăng trưởng kinh tế trong trung hạn, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng giai đoạn 2011-2015, Việt Nam chứng kiến sự thất bại trong việc thực hiện 10 trên 26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội (2011) đề ra, mà đa số các chỉ tiêu này liên quan đến năng suất của toàn nền kinh tế. Vì vậy, trong vòng 5 năm tới (2016-2020), Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân 5 năm đạt 6,5% - 7%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD/năm. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được phân tách và dự báo dựa theo đóng góp của việc tích lũy các yếu tố đầu vào sản xuất (vốn, lao động) và đóng góp của việc tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Trên cơ sở này, kết quả dự báo cũng đưa ra các kịch bản đối với tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020. Tại kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ ở mức 5,56%/năm nếu kinh tế không có nhiều đột phá và tình hình quốc tế được coi như ổn định.
Trường hợp điều kiện quốc tế kém thuận lợi và các biện pháp cải cách kinh tế không được thực hiện thành công thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ đạt khoảng 5,09%/năm. Trong trường hợp hiệu quả nền kinh tế được cải thiện mạnh mẽ cùng với môi trường quốc tế thuận lợi, Chính phủ có điều kiện huy động thêm các nguồn lực quốc tế thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức bình quân khoảng 6,96%/năm. Với các kịch bản có khả năng xảy ra cao, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng hội tụ ở mức bình quân vào khoảng 6%/năm. Tính toán này của nhóm tác giả tương đối nhất quán với mức dự báo của IMF (2016) cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 6,5-7% là rất tham vọng, khó khả thi trong điều kiện cấu trúc và môi trường thể chế như hiện nay.
Để tăng trưởng có tính bền vững hơn trong giai đoạn 2016-2020, các chuyên gia trong và ngoài nước khuyến nghị Việt Nam phải đưa ra được những chính sách thúc đẩy và cải thiện để tăng cường quá trình tích lũy tri thức, kỹ năng và công nghiệp. Việt Nam có thể học hỏi những chính sách này từ các nước láng giềng ở Đông Á. Điểm mấu chốt là việc thiết kế lại hệ thống hoạch định và thực thi chính sách, giảm tình trạng cát cứ về chính sách giữa các Bộ và tình trạng tự phát trong mô hình tăng trưởng giữa các địa phương.
Theo Giáo sư kinh tế phát triển nổi tiếng người Nhật Kenichi Ohno, Việt Nam cần phải thực hiện thành công ba chính sách quan trọng để phát triển bền vững, bao gồm: sáng tạo giá trị nội tại, đối phó những vấn đề xã hội mới phát sinh từ quá trình tăng trưởng nhanh và điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả trong quá trình hội nhập. Việt Nam nên thành lập một Hội đồng cạnh tranh quốc gia thực sự hữu hiệu, trực tiếp đứng đầu là Thủ tướng (hoặc Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp) giám sát và điều phối các chiến lược công nghiệp trọng điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ cần có quyết tâm cao nhất để giữ kỷ luật tài khóa, giảm chi ngân sách, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, cần chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới méo mó thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như giảm hiệu quả điều hành của các công cụ vĩ mô truyền thống. Hơn nữa, cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.