Gặp khó khăn về việc bố trí nguồn vốn nên các dự án giao thông trọng điểm ở nước ta đều đang chậm tiến độ.Ảnh: TK
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, hiện cả nước có 37 công trình, dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng lĩnh vực đường bộ đã có 23 dự án với tổng mức đầu tư hơn 498.000 tỷ đồng. Trong đó, 12 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng trên đường bộ với tổng mức đầu tư khoảng 255.778 tỷ đồng.
Mặc dù các dự án trọng điểm cần được ưu tiên thực hiện gấp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng hầu hết các dự án đều gặp khó về việc bố trí nguồn vốn. Trong khi đó, phần lớn các dự án giao thông trọng điểm có sử dụng vốn vay, do đó việc bố trí không đủ vốn đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB nói riêng và tiến độ chung của cả dự án. Hiện nay toàn ngành GTVT đang thiếu khoảng 12.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án.
Kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế triển khai vay nguồn vốn ODA đặc thù để thực hiện. Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn đối với Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)” và thông tư hướng dẫn đối với Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư”.Mặc dù các dự án trọng điểm cần được ưu tiên thực hiện gấp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng hầu hết các dự án đều gặp khó về việc bố trí nguồn vốn. Trong khi đó, phần lớn các dự án giao thông trọng điểm có sử dụng vốn vay, do đó việc bố trí không đủ vốn đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB nói riêng và tiến độ chung của cả dự án. Hiện nay toàn ngành GTVT đang thiếu khoảng 12.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án.
Đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng để phục vụ công tác đối ứng cho các dự án ODA và PPP. Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập Quỹ đầu tư bằng nguồn tiền thu được từ quỹ đất, dịch vụ thương mại dọc các tuyến đường và một phần vốn hỗ trợ của Nhà nước. Đối với công tác GPMB, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế riêng cho các dự án giao thông. Bởi nếu áp dụng chung cơ chế, chi phí GPMB của các dự án giao thông rất lớn và nó sẽ chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu tổng mức đầu tư.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngoài khó khăn về nguồn vốn, các dự án trọng điểm của ngành giao thông cũng đang gặp nhiều khó khăn xuất phát từ chính các đơn vị có liên quan.
Cụ thể, một số dự án chưa thực hiện tốt việc chuẩn bị đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh, phát sinh trong quá trình triển khai. Chất lượng, năng lực của nhà thầu còn hạn chế, đặc biệt là các nhà thầu trong nước cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án trọng điểm. Do đó, Bộ GTVT cần chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý công trình trọng điểm thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư, trong đó yêu cầu lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thi công hợp lý, đồng thời tăng cường kiểm soát đấu thầu, kiểm soát giá, định mức xây dựng.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc xã hội hóa, xây dựng cơ chế để hấp dẫn nhà đầu tư vào phát triển các công trình hạ tầng giao thông. Ngành Giao thông cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương để kịp thời giải quyết cơ chế, chính sách, giám sát quản lý tiến độ, chất lượng công trình, tiến độ GPMB.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục đầu tư, sớm tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Bộ KH&ĐT tổng hợp nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án công trình giao thông, đặc biệt là các dự án ODA, trên cơ sở khả năng bố trí của ngân sách để có kế hoạch huy động thêm nguồn lực ngoài xã hội. Về phía các địa phương, cần thực sự quan tâm đến công tác GPMB, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mình.
LÊ HÒA