Tăng trưởng kinh tế Bình Phước đứng đầu vùng Đông Nam Bộ

(BKTO) - Năm 2023, Bình Phước trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất vùng Đông Nam Bộ với 8,34% (vượt kế hoạch đề ra là 8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (IIP) ước tăng hơn 10% so với năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người gần 94 triệu đồng/năm (tăng 9,53% so với năm 2022).

binh-phuoc-cong-nghi.jpg
Năm 2023, Bình Phước lọt top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước với 48 dự án có vốn đăng ký 739,23 triệu USD (đạt 277% kế hoạch năm). Ảnh: ST

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước cao là nhờ sự phục hồi và phát triển mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực như: ngành nông nghiệp đạt hơn 17.513 tỷ đồng, tăng 10,25%, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào GRDP của tỉnh; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt gần 17.206 tỷ đồng, tăng 7,12% đóng góp 2,26 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh…

Sự phát triển ngành nông nghiệp là nhờ Bình Phước tận dụng được lợi thế và có các chính sách hỗ trợ để nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh có 20 xã và 2 doanh nghiệp hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thí điểm 19 cơ sở với mã vùng trồng, với 1.997 ha, sản lượng 223.000 tấn/năm, có 8 hợp tác xã đạt tiêu chuẩn theo VietGAP và Lobo GAP…

Nhờ chuyển đổi số, Bình Phước có những sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn và xuất khẩu đi các nước như hạt điều, bơ mã dưỡng, sầu riêng…

Năm 2023, Bình Phước lọt top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước với 48 dự án có vốn đăng ký 739,23 triệu USD (đạt 277% kế hoạch năm).

Lũy kế đến nay, Bình Phước có khoảng 410 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 4,3 tỷ USD. Nơi đây còn là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước với gần 12.000 doanh nghiệp.

Để thu hút được số lượng lớn doanh nghiệp, ngoài việc có quỹ đất dồi dào, ưu đãi thuế thì việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính cũng giúp Bình Phước thu hút đầu tư.

Hiện nay, dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia ở Bình Phước xếp thứ 4/63 tỉnh, thành.

Bình Phước cũng là địa phương xây dựng, vận hành sớm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 3 trung tâm IOC cấp huyện (TP. Đồng Xoài, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long).

Theo Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bình Phước, qua Trung tâm này, lãnh đạo tỉnh nắm bắt được số liệu hàng ngày, hàng giờ về tỷ lệ hồ sơ giải quyết cho công dân, doanh nghiệp. Từ đó, biết được đơn vị nào giải quyết chậm trễ, hồ sơ gì... giúp việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, nhanh chóng.

Năm 2024, Bình Phước đặt ra 22 chỉ tiêu trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-8,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 36.600 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ 560 triệu USD (tăng 9% so với năm 2023); thành lập mới 1.100 doanh nghiệp…

Bình Phước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, mở rộng áp dụng dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; chăm lo tốt đời sống người dân, công nhân và chú trọng đào tạo nhân lực...

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9%./.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng kinh tế Bình Phước đứng đầu vùng Đông Nam Bộ