Tăng trưởng kinh tế của Cà Mau thứ 5 cả nước nhưng chưa bền vững

(BKTO) – 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau Mau đứng thứ 2 tại đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 5 cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của tỉnh thiếu bền vững và chưa toàn diện.

bai-47.jpg
Cầu sông Ông Đốc đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 11 năm nay, tạo trục hành lang thông suốt từ Đông sang Tây. Ảnh: baocamau

Tăng trưởng chủ yếu từ việc huy động sản lượng từ 2 nhà máy điện

Ông Huỳnh Quốc Việt - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau - cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương chuyển biến tích cực, một số chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,61%. Trong đó, khu vực ngư, nông, lâm nghiệp tăng 3,67%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,71%; khu vực dịch vụ tăng 8,04%; thuế sản phẩm tăng 1,87%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Với mức tăng trưởng trên, Cà Mau đứng thứ 2 tại đồng bằng song Cửu Long và đứng thứ 5 cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Việt, đây là tín hiệu lạc quan nhưng thiếu bền vững vì chủ yếu dựa vào mức tăng trưởng từ việc huy động sản lượng từ 2 nhà máy điện tại Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm.

Thực tế cho thấy tốc độ GRDP tăng quý II giảm so với quý I (quý I: 9,05%; quý II: 7,69%).

Kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch, giảm 22,9% so với cùng kỳ do các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giảm: xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 56,6%, EU giảm 19,3%, Nhật Bản giảm 47,7%, Australia giảm 56,8%…

Nguyên nhân giảm do tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu vẫn đang ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hoá giảm, các nhà phân phối hạn chế nhập khẩu dẫn đến các đơn hàng sụt giảm; các doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất.

Đồng thời, do chi phí sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn các nước như Ấn Độ, Ecuador… nên doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá tại một số thị trường nhập khẩu lớn.

Giá bán phân bón thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đầu ra chậm nên việc xuất khẩu của các doanh nghiệp phân bón không còn thuận lợi như trước.

6 tháng qua, có 202 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 97 doanh nghiệp so với cùng kỳ) và 199 doanh nghiệp bị thu hồi, giải thể (tăng 95 doanh nghiệp).

Nguyên nhân là do đầu năm 2023, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tăng cao, làm cho doanh nghiệp giảm lợi nhuận hoặc bị lỗ, trong đó doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản bị siết chặt tín dụng, không bán được sản phẩm.

Theo đó, địa phương thu hồi giấy phép kinh doanh đối với 334 doanh nghiệp do kết quả rà soát tình hình hoạt động năm 2021, 2022 của cơ quan thuế có một số doanh nghiệp không hoạt động, không báo cáo, không lập hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm ngừng, giải thể theo quy định...

Ông Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh: Dự báo tình hình kinh tế của tỉnh những tháng cuối năm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương có việc chưa chặt chẽ; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn biểu hiện sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ...

Vì vậy, các ngành, các cấp phải nỗ lực phấn đấu, đề ra những giải pháp phù hợp, toàn diện và quyết liệt hơn trên các mặt công tác để hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023.

bai-47-anh-2.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau yêu cầu theo dõi sát diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Ảnh: baocamau

Tạo đột phá, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại nêu ra 8 nhóm nội dung cần triển khai trong những tháng cuối năm và nhấn mạnh sự chủ động phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tránh tâm lý trông chờ ỷ lại và sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực hiện nhiệm vụ.

Tập trung triển khai giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân khôi phục sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, "lợi ích nhóm"; tăng cường giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên...

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng nhận định: Kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững và chưa toàn diện.

Từ đó, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các sở, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm…

Tiếp tục nắm chắc tình hình, tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, hạn chế, rà soát, tập trung giải quyết những công việc còn tồn đọng; xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023.

Đồng thời cần tập trung nhiều hơn trên lĩnh vực sản xuất, giảm nguồn lực đầu vào, tạo tính đột phá, tăng tính cạnh tranh trên thị trường; tập trung nâng cao năng suất từ nghề nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái vì đây là lợi thế của địa phương.

Trước dự báo tác động của hiện tượng El Nino năm 2023, việc cần thiết là tăng cường chủ động trong chuyển đổi sản xuất, lịch thời vụ, nhất là trong tích trữ nguồn nước để đảm bảo sản xuất, ngăn chặn sụt lún vùng ngọt…/.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng kinh tế của Cà Mau thứ 5 cả nước nhưng chưa bền vững