Tăng trưởng xuất khẩu cà phê nhờ gia tăng chế biến và xây dựng thương hiệu

(BKTO) - Những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu cà phê bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 3,13 tỷ USD/năm (tăng trưởng trung bình 8,2%/năm), chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước. Cà phê luôn khẳng định được vai trò là ngành hàng quan trọng với mức đóng góp khoảng 3% GDP cả nước.



Cà phê rộng đường ra thế giới

Bộ Công Thương cho biết, các sản phẩm cà phê của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng vị trí thứ 2 thế giới, sau Brazil. Đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu của Việt Nam đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5 thế giới, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ).

Triển vọng cho ngành cà phê ngày càng mở rộng khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Trong số đó, EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là thị trường Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch…
                
   

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (Ảnh minh họa)- Nguồn: TTXVN

   
Điều đáng chú ý là các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… đều chủ yếu xuất khẩu cà phê dưới dạng hạt, tức là chỉ dừng ở hoạt động sơ chế sau thu hoạch. Một số nước tuy có hoạt động rang và xay nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu cà phê của họ.

Riêng với Việt Nam, kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được quan tâm. Nhờ vậy, từ chỗ có giá bán tại cảng Việt Nam thấp hơn tới 400-500 USD/tấn so với giá tham chiếu tại Sở Giao dịch hàng hóa Luân Đôn, Việt Nam đã dần thu hẹp được khoảng cách này và cho tới nay, giá bán cà phê Robusta của Việt Nam đã phù hợp với giá thị trường thế giới.

Trong thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nên ngày càng nhiều DN chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung. Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn.
                
   

Năng lực chế biến cà phê của Việt Nam- Nguồn: Bộ Công Thương

   
Phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả

Mặc dù ngành hàng cà phê có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các DN nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh.

Để khẳng định vị thế của cà phê Việt trên thị trường trong và ngoài nước, định hướng của Nhà nước và các Bộ, ngành hiện nay là xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân và DN. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.

Nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, trước hết cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
                
   

Tăng cường áp dụng công nghệ cao vào chế biến cà phê (Ảnh minh họa)- Nguồn: TTXVN

   
Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, DN thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích sự liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.

Song song với đó, cần chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu cà phê Việt và thương hiệu của từng DN cà phê. Các DN cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp, cũng như định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu.

Theo Bộ Công Thương, Nhà nước sẽ hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm và cách thức tạo dựng, quảng bá thương hiệu.

Xúc tiến thương mại cũng là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo xuất khẩu bền vững, hiệu quả. Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo, các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam cần chú trọng tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng; xây dựng kênh nghiên cứu và dữ liệu riêng về thị trường xuất khẩu thông qua sự hỗ trợ của cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước để cập nhật thông tin và những thay đổi diễn biến thương mại nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tín hiệu của thị trường.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Bộ GTVT: Sẽ bổ sung 8 quy định đối với ô tô kinh doanh vận tải
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong Báo cáo gửi lên Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa xe taxi truyền thống và xe ứng dụng hợp đồng điện tử.
  • Cần chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp ô tô
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Ngày 22/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô”. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang "tụt hậu" so với một số nước trong khu vực và muốn bắt kịp cần phải có những "chính sách đặc sắc".
  • Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt doanh thu gần 74 nghìn tỷ đồng sau 9 tháng
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Sau 9 tháng vận hành an toàn, ổn định Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở 107% công suất thiết kế, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
  • Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ cho tương xứng với tiềm năng và thế mạnh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Chiều 18/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ”. Đây là dịp để đại diện các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng đánh giá thực trạng, hiến kế phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ.
  • Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách lĩnh vực xây dựng
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và công cụ quản lý trong lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về điều kiện kinh doanh, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, điều chỉnh được các hoạt động xây dựng trong thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.
Tăng trưởng xuất khẩu cà phê nhờ gia tăng chế biến và xây dựng thương hiệu